BAN ÂM NHẠC - VOV3
FM 102.7MHz
Chi tiết bài viết
"Sáng Mãi Hào Khí Cờ Đào": Chương trình nghệ thuật tưởng niệm chiến thắng lịch sử
Thứ ba, 21:37, 27/02/2024
Mạnh Nghĩa
[VOV3] - Hoành tráng và uy nghiêm trong chương trình sân khấu hóa: "Sáng Mãi Hào Khí Cờ Đào" Hành trình tưởng nhớ và tôn vinh 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Lịch sử luôn nhắc nhở chúng ta khắc ghi, là con cháu Lạc Hồng tự bao đời nay phải tiếp nối viết lên những trang sử hào hùng, làm rạng danh đất Việt.

Tối 14-2, tại sân khấu Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra chương trình nghệ thuật "Sáng mãi hào khí cờ đào" để kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 – 2024).  Chương trình do UBND TP HCM chỉ đạo, Sở VH-TT TP HCM và Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM phối hợp thực hiện.

Chương trình nghệ thuật “Sáng mãi hào khí cờ đào” là dịp để nhân dân cả nước cùng ôn lại tinh thần của cuộc tiến công thần tốc và chiến tích chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc của các vị tướng lĩnh kiệt xuất, đặc biệt là người Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ là hiện thân của một Việt Nam với truyền thống anh hùng, kiên trung, bất khuất, luôn luôn xem việc gìn giữ và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc là nhiệm vụ hàng đầu của mọi thế hệ. Lịch sử luôn nhắc nhở chúng ta khắc ghi, là con cháu Lạc Hồng tự bao đời nay phải tiếp nối viết lên những trang sử hào hùng, làm rạng danh đất Việt.

Với thời lượng 120p, chương trình được chia làm 4 chương gồm “Tiếng trống Tây Sơn”, “Lời hiệu triệu nước non”, “Thăng Long mùa Xuân đại thắng” và “Đất nước vạn mùa Xuân”. "Sáng mãi hào khí cờ đào" lấy ý tưởng về hình tượng cây tre luôn gắn bó với cộng đồng dân tộc Việt Nam làm biểu tượng xuyên suốt chương trình.

BTC đã gửi gắm vào hình tượng tre, cốt cách riêng của nền văn hóa, con người Việt Nam, đó: kiên cường mà mềm dẻo, bản lĩnh mà linh hoạt, dung dị mà sáng tạo… Với sân khấu biểu diễn được tổ chức rực rỡ sắc mầu của âm nhạc và trình diễn ánh sáng, các màn diễn xuất cuốn hút khiến người xem ủng hộ nhiệt liệt.

Trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, hình ảnh cây tre một lần nữa gắn liền với những người nông dân áo vải, dưới ngọn cờ đào của nghĩa quân Tây Sơn đã nổi dậy đánh đuổi giặc ngoại xâm, lập nên một trang sử vẻ vang cho dân tộc. Trước vận nước nguy nan, tre là biểu tượng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là tinh thần quật cường đồng sức, đồng lòng cứu nước.

Ca khúc: “Non nước hùng thiêng”, st ns Lê Vinh Phúc, do các nghệ sĩ trong chương trình thể hiện.

Điểm đặc biệt nhất của chương trình “Sáng mãi hào khí cờ đào”’ là đêm diễn đã tái hiện 7 vị tướng người Bình Định đã trọn đời theo nhà Tây Sơn, được nhân dân địa phương tôn là "Tây Sơn thất hổ tướng", bao gồm: Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Tuyết, Lý Văn Bưu, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Lộc. Bên cạnh đó, còn có 5 vị nữ tướng tài danh của nhà Tây Sơn được người đời xưng tụng là "Tây Sơn ngũ phụng thư", bao gồm: Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Huỳnh Thị Cúc, Nguyễn Thị Dung. Các nghệ sĩ, diễn viên đã có những phần thể hiện xuất thần 12 vị tướng nhà Tây Sơn - những con người tài ba cùng với anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ dựng ngọn cờ đào, xây dựng cơ đồ Tây Sơn hiển hách.

Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa mùa xuân Kỷ Dậu năm 1789 là sự hội tụ cao của tinh thần yêu nước nồng nàn, yêu độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, của truyền thống đoàn kết, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm. Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc ta như một bản anh hùng ca bất hủ trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đây chính là niềm tự hào của bao thế hệ người Việt Nam, là những bài học vô giá cho thế hệ hôm nay, là động lực mạnh mẽ để dân tộc Việt Nam tự tin vững bước tiến tới tương lai.

Bài viết cùng chủ đề