BAN ÂM NHẠC - VOV3
FM 102.7MHz
Chi tiết bài viết
Tuần lễ văn hóa Lai Châu: “Sắc màu văn hóa – Hội tụ và lan tỏa”
Thứ tư, 22:55, 08/11/2023
Mạnh Nghĩa
[VOV3] - Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người được tổ chức nhằm tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc các dân tộc ít người; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, cùng những khát vọng và quyết tâm xây dựng quê hương Việt Nam ta ngày càng giàu đẹp.

    Tối 3/11, tại Quảng trường nhân dân tỉnh Lai Châu, UBND tỉnh Lai Châu phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã long trọng tổ chức “Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I” và Tuần Du lịch - Văn hoá Lai Châu năm 2023 với chủ đề “Sắc màu văn hóa - Hội tụ và lan toả”. Tham dự ngày hội gồm 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người (Si La, Lự, Cống, Bố Y, Ngái, Chứt, B’Râu, Rơ Măm, Ơ Đu, Mảng, Lô Lô, Pà Thẻn, Cơ Lao, Pu Péo) của 11 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Bình và Kon Tum.

    Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người được tổ chức nhằm tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc các dân tộc ít người; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc; cùng những khát vọng và quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Qua đó, khẳng định quê hương Việt Nam là điểm du lịch văn hóa đặc sắc dành cho du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, sự kiện cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới công tác dân tộc nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số ít người nói riêng; là dịp để mỗi người dân thể hiện tình cảm, lòng biết ơn, công lao to lớn của Đảng, Bác Hồ cùng các thế hệ ông cha đã dày công tạo dựng, giữ gìn và phát triển.

    Phát biểu Khai mạc Ngày hội, đồng chí Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số rất ít người là di sản quý giá, đó không chỉ là tài sản của riêng một vùng đất, con người hay địa phương, mà còn là tài sản vô giá của quốc gia, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Các giá trị văn hóa truyền thống đã và đang được Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị cùng các dân tộc thiểu số rất ít người chung tay xây dựng, củng cố. Đó là những giá trị tiến bộ, nhân văn được kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần hướng tới một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển hài hòa trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người là nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước.

   Tại lễ khai mạc, với bức tranh âm nhạc đa sắc màu người xem đã cùng nhau ôn lại truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước đã hun đúc nên 1 nền văn hóa lâu đời, giàu bản sắc; được hình thành, phát triển trong quá trình lao động sản xuất và được lưu giữ trong sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán, trang phục, nghi thức lễ hội, tín ngưỡng dân gian. Đây đều là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.

    Chương trình nghệ thuật có chủ đề “Sắc màu văn hóa – Hội tụ và lan tỏa”, được chia làm 3 chương: chương 1 “Khát vọng vươn lên cùng đại ngàn”; chương 2 “Lung linh sắc màu đại ngàn”  và chương kết “Lai Châu kỳ vĩ vui ngày hội”. Với những tiết mục hát, múa tái hiện lại một cách chân thực, sinh động về lao động sản xuất, giá trị văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc của các dân tộc ít người.

Đặc biệt, là vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của con người Lai Châu, cùng khát vọng vươn lên về một ngày mai tươi sáng. Với thời lượng 90 phút, các đại biểu và người xem đã được thưởng thức các ca khúc như: “Quê hương Việt Nam tôi”; “Giấc mơ trên lưng gùi”; “Mừng hội mùa”; “Về bản Ơ đu cùng em”…   

Lễ khai mạc đã diễn ra thành công tốt đẹp và góp phần khẳng định những thành tựu to lớn, đóng góp trong công cuộc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất và đa dạng. Qua đó, hun đúc tinh thần đại đoàn kết dân tộc, chung sức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập.

Sau lễ khai mạc, người dân và du khách tiếp tục được hòa mình vào không khí sôi động, được tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao giàu bản sắc: Liên hoan văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; trình diễn nghề thủ công truyền thống; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; trưng bày, chế biến và giới thiệu nghệ thuật ẩm thực; hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian dân tộc như kéo co, bắn nỏ và đẩy gậy; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch và chương trình gặp mặt tôn vinh, biểu dương các nghệ nhân tiêu biểu, người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và trao truyền văn hóa truyền thống của 14 dân tộc tham gia ngày hội.

 

Bài viết cùng chủ đề