Hòa nhạc Toyota là một hoạt động đóng góp xã hội do công ty ô tô Toyota Việt Nam phối hợp với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam thực hiện hàng năm kể từ năm 1998. Hoà nhạc nhằm mục đích đóng góp cho sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam, phổ biến âm nhạc cổ điển và hỗ trợ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam nâng cao trình độ biểu diễn. Toàn bộ số tiền bán vé chương trình sẽ được đưa vào quỹ “Học bổng Toyota hỗ trợ tài năng trẻ âm nhạc Việt Nam”. “Đến nay, chương trình đã trao hơn 1000 suất học bổng cho sinh viên chuyên ngành âm nhạc” – chia sẻ của giám đốc Toyota Việt Nam, ông Keita Nakano.
Hai tác phẩm được lựa chọn biểu diễn cho sự kiện hoà nhạc năm nay là Rhapsody trên chủ đề Paganini Op. 43 của S.Rachmaninov và Giao hưởng số 2 Rê Trưởng của J.Sibelius. Tác phẩm mở đầu, Rhapsody trên chủ đề Paganini Op. 43 được lấy cảm hứng từ Giai điệu chủ đề Caprice số 24 của Niccolò Paganini, một nghệ sĩ vĩ cầm người Ý sống vào cuối thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 19.
Bản Rhapsody này là một trong những tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp của nhạc sỹ người Nga kiệt xuất Sergei Rachmaninov, đánh dấu một nét rất riêng của nhà soạn nhạc theo trường phái Lãng mạn. Cụ thể, thể loại Rhapsody thường có tính linh động, ngẫu hứng nhưng Rhapsody trên chủ đề Paganini Op. 43 được viết với đoạn đầu dẫn nhập hào sảng, theo sau là 24 lần biến tấu một chủ đề Caprice số 24. Lựa chọn nhạc khúc này, nhạc trưởng Honna Tetsuji chia sẻ lý do rằng đó là một tác phẩm mà vốn Sergei chọn phương thức trình diễn là piano độc tấu cùng dàn nhạc đệm, do đó có thể giúp thể hiện tài năng của nghệ sỹ piano trẻ Nguyễn Đăng Quang. Đồng thời, đó cũng là sự tri ân, hướng đến kỷ niệm 150 năm ngày sinh soạn giả người Nga nổi tiếng.
Tác phẩm thứ hai được biểu diễn trong đêm hoà nhạc, Giao hưởng số 2 Rê Trưởng của J.Sibelius là một tác phẩm có bốn chương, với tốc độ biểu diễn và biểu cảm khác nhau tạo nên những cung bậc cảm xúc thăng trầm. Chương đầu tiên của bản nhạc thể hiện rõ nét nhất chủ đề chính, với tốc độ hơi nhanh đến nhanh vừa; chương thứ hai kìm lại, thong thả mà mãnh liệt và dần chuyển đến nặng nề; chương ba êm ả; chương kết chậm vừa, hồi về nhịp độ ban đầu và lại chuyển sang nhịp độ chậm. Có thể thấy cả hai bản nhạc được lựa chọn cho đêm hoà nhạc đều có sự biến tấu và phô bày tính tự do nghệ thuật của người nghệ sỹ. Chỉ huy dàn nhạc, ông Honna cũng khẳng định: “Các tác phẩm sẽ có một số đoạn trầm lắng để chúng ta cùng nhìn lại các sự kiện buồn trong những năm vừa qua, nhưng đoạn kết sẽ mạnh mẽ như vút lên trời cao, thể hiện sự hướng đến tương lai tươi sáng”.
Bên cạnh ông Honna Tetsuji, nghệ sỹ piano trẻ Nguyễn Đăng Quang cũng để lại dấu ấn trong lòng khán giả với màn biểu diễn nhập tâm. Để chuẩn bị cho Toyota Concert 2023, nghệ sỹ trẻ đã dành ra 8 tháng tập luyện. Trò chuyện với phóng viên VOV3, anh cho biết: “Thời gian 8 tháng là khá dài nhưng cũng cho mình có cơ hội tìm tòi nhiều cách thể hiện tác phẩm khác nhau. Nhận lời tham gia concert này cũng giúp cho một người trẻ như mình được rèn luyện cùng dàn nhạc giao hưởng, và dù đã tham giả biểu diễn trên sân khấu bao nhiêu lần thì lần biểu diễn này vẫn có sự hồi hộp, lo lắng và cảm giác thở phào khi đã hoàn thành màn biểu diễn”.
Toyota Concert 2023 đã truyền đi nguồn cảm hứng bất tận “hướng đến tương lai” như những gì mà nhạc trưởng, nghệ sỹ độc tấu piano cùng toàn thể Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam kỳ vọng. Đó là một tương lai tươi sáng cho âm nhạc cổ điển Việt Nam và các nghệ sỹ trẻ đam mê, theo đuổi con đường hoạt động âm nhạc, nghệ thuật chuyên nghiệp. Chương trình hoà nhạc năm nay sẽ diễn ra một lần nữa trên sân khấu Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh vào ngày 13/8 để khán giả có nhiều hơn những cơ hội thưởng thức biểu diễn âm nhạc cổ điển cùng dàn nhạc giao hưởng.