BAN ÂM NHẠC - VOV3
FM 102.7MHz
Chi tiết bài viết
Tưởng nhớ nhạc sĩ Hồng Đăng-người nhạc sĩ tài năng, nhân hậu của nền âm nhạc Việt Nam
Thứ tư, 12:00, 23/03/2022
BTV Nguyên Quang Vinh/VOV3
[VOV3] - Sáng 21/03, nhạc sĩ Hồng Đăng, người nhạc sĩ tài năng, nhân hậu, hóm hỉnh của nền âm nhạc Việt Nam, tác giả của các ca khúc nhạc phim nổi tiếng như: Hoa sữa, Biển hát chiều nay, Nỗi nhớ đại dương v.v.. và nhiều tác phẩm khác đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Hữu Nghị, hưởng thọ 86 tuổi.

Nhạc sĩ Hồng Đăng sinh năm 1936 tại Nghệ An, cháu ruột nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Ông là người hiểu biết, nhân hậu, thẳng thắn. Tính cách này có lẽ được thừa hưởng từ dòng họ nổi tiếng xứ Nghệ. Dòng họ Phan Đăng có nhiều người đỗ đạt, thành danh. Nhà chí sĩ cách mạng nổi tiếng Phan Đăng Lưu là anh ruột của bố nhạc sĩ Phan Hồng Đăng.

Cha nhạc sĩ là ông Phan Đăng Tài, trước cách mạng làm ở tòa sứ, rồi theo Việt Minh, từng là Phó Chủ tịch lâm thời đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh. Ông hiểu nhiều, biết rộng, thông thạo 7 ngoại ngữ, đã dịch nhiều tác phẩm với bút danh Phan Hồng Sơn, được mọi người gọi là 'kho tư liệu sống”. Ông Phan Đăng Tài là một nhà nho nhưng biết chơi đàn nguyệt. Nhạc sĩ Hồng Đăng từ nhỏ đã say mê tiếng đàn của bố và đi theo con đường âm nhạc từ đó.

Những năm 1950, nhạc sĩ là học sinh kháng chiến ở liên khu IV và đã sáng tác những ca khúc đầu tay như: Nắng về Tây Bắc, Nhớ ơn cụ Hồ, Đời học sinh... Sau hoà bình lập lại, về Hà Nội, ông học lớp Sáng tác khoá đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam.

Trong cuộc đời hoạt động âm nhạc, nhạc sĩ Hồng Đăng đã sáng tác hơn 700 tác phẩm, bao gồm nhiều thể loại: ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu... Đặc biệt là những ca khúc nhạc phim nổi tiếng như: Hoa sữa (phim Hà Nội mùa chim làm tổ), Lênh đênh (phim Đời hát rong), Biển hát chiều nay (nhiều phim về đề tài biển), Nỗi nhớ đêm đại dương (phim Những hạt muối của biển), Biển và cô gái tôi chưa quen (phim Những ngôi sao nhỏ), Không gian xanh (phim Vùng trời)...

Âm nhạc của nhạc sĩ Hồng Đăng không chỉ được nhiều người yêu thích, mà ca từ trong các ca khúc của ông cũng để lại nhiều ấn tượng với người nghe. Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà nội chia sẻ về một kỷ niệm với nhạc sĩ Hồng Đăng khi viết lời cho ca khúc của mình: “Tôi nhớ năm 2012, tôi hoàn thành ca khúc thiếu nhi “Chú bộ đội dạy cho em cái chữ”, dựa trên nét âm nhạc của dân tộc Hơ Mông. Tôi đến  “khoe” với Anh. Anh nghe tôi hát xong, liếc qua lời và nói ngay: Phải sửa mấy chữ Cường ạ. Sao lại “Nghe tiếng hát các em vọng về”. Nên là “Nghe bi bô âm vang vọng về”  hay hơn chứ?. Câu này nữa  “Những đôi mắt ngây thơ” em thay vào “...những đôi mắt tròn xoe”, có phải hình tượng ngây thơ đẹp hơn không? Tôi gật đầu nói vui: Bái phục đại ca.

Năm sau tôi gửi ca khúc này đi thi và đoạt giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam...Anh am hiểu kiến thức văn hóa nhiều lĩnh vực nên ca từ của anh không cầu kỳ, trau chuốt mà tự nhiên như hơi thở, nó tinh tế và đẹp như một bài thơ. Không cần những lời kêu gọi "đao to búa lớn", tác phẩm của Hồng Đăng lưu lại trong tâm trí người nghe bằng những tâm tình rất giản dị. Điều đặc biệt là anh thường tự viết lời, chỉ trường hợp đặc biệt mới phổ nhạc thơ người khác.” Là nhạc sĩ tài hoa, một trong những cây đại thụ trong nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Hồng Đăng được nhiều người yêu quý vì sự chân thành của ông dành cho mọi người.

Không chỉ là một nhạc sĩ tài hoa, được nhiều người yêu mến, nhạc sĩ Hồng Đăng còn có mối lương duyên tốt đẹp với Đài TNVN và nhiều nhạc sĩ của Ban Âm nhạc (VOV3). Các tác phẩm của nhạc sĩ Hồng Đăng dàn dựng, phát sóng đã được nhiều thính giả của Đài TNVN yêu mến, đón nhận. Nhạc sĩ Dân Huyền, nguyên Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền chia sẻ về một kỷ niệm khó quên với nhạc sĩ Hồng Đăng tại Đài TNVN: “Tôi nhớ năm 1969, trong dịp kỷ niệm thành lập Đài TNVN, anh Hồng Đăng và chị Liên (người hô tập thể dục cho thính giả vào sáng sớm) đã đến thăm Đài. Anh mang theo một túi to kẹo Cu Đơ và nói rằng, mình mới về quê ra, mình cùng bạn Liên mang quà đến cảm ơn quý Đài về chương trình tập thể dục, đã mấy năm rồi  bây giờ mới có dịp cùng đến.

Để nhạc sĩ Lê Lôi tiếp khách, tôi lẳng lặng lên phòng làm việc của Tổng biên tập Trần Lâm.Vào phòng ông Lâm thấy có cả ông Huỳnh Văn Tiểng (Phó Tổng biên tập), tôi mời cả hai ông xuống Phòng ca nhạc để gặp khách quý. Sau đó, tôi ra trước cổng Đài mua một ấm nước chè xanh để về cùng thưởng thức Kẹo Cu Đơ cho đúng cách. Vì đột xuất chỉ có hơn chục người. Đôi bên trò chuyện xong, ông Lâm và ông Tiểng có hẹn khách nên xin phép rút lui.

Trước khi về anh Hồng Đăng biếu hai ông 2 gói kẹo, anh ngẫu hứng hai câu thơ “Kẹo này là kẹo Cu Đơ – Đặc sản Nghệ Tĩnh Bác Hồ thường ăn”. Anh Lê Lôi cũng tiếp luôn “Bây giờ Bác ngủ không ăn – Đặc sản Nghệ Tĩnh nhân dân ta dùng”. Mọi người cười vui vẻ. Với tôi cho đến nay sáng nào cũng tập thể dục theo Đài. Càng nghe bài hát và bản nhạc, càng nhớ Hồng Đăng – người nhạc sĩ tài hoa, người bạn đồng hương chân tình và vui tính.”

Có thể nói, ngoài các ca khúc đã làm nên tên tuổi của nhạc sĩ Hồng Đăng, ca khúc “Mưa bụi”, phổ thơ của nhà thơ Ngô Chính là tác phẩm mới nhất của nhạc sĩ Hồng Đăng được NSƯT, nhạc sĩ Doãn Nguyên dàn dựng và chỉ huy dàn nhạc do ca sĩ, NSƯT Mai Hoa thể hiện, thu thanh tại Đài TNVN năm 2014, phát sóng đã chiếm được tình cảm của nhiều thính giả nghe Đài.

Ca khúc "Mưa bụi", âm nhạc của nhạc sĩ Hồng Đăng, lời thơ của nhà thơ Ngô Chính, dàn dựng và chỉ huy dàn nhạc NSƯT, nhạc sĩ Doãn Nguyên do NSƯT Mai Hoa trình bày (năm 2014). 

Ngoài lĩnh vực sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Hồng Đăng còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác như: giảng dạy, viết sách, làm báo, tham gia làm phim... cũng như đảm nhiệm các vị trí công tác như: Nguyên Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá IV và V, Tổng biên tập tạp chí Âm nhạc (từ 1989), và tờ Thế giới Âm nhạc (từ 1996), là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam, hội viên Hội Văn Nghệ Hà Nội, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Giao lưu Văn hoá Việt - Nhật, Uỷ viên Uỷ ban Quốc gia Thập kỷ Phát triển Văn hoá quốc tế.

Trong lĩnh vực giảng dạy, nhạc sĩ Hồng Đăng không chỉ đào tạo được nhiều thế hệ học sinh thành đạt, xuất sắc, là người đỡ đầu tác phẩm cho các nhạc sĩ trẻ mà còn xuất bản hơn 10 cuốn sách, trong đó có 4 cuốn sách giáo khoa âm nhạc: “70 bài xướng âm” (Nxb. Âm nhạc, 1962), “200 bài xướng âm cơ bản” (DIHAVINA, 1973), đặc biệt cuốn sách “Nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng” (Nxb. Âm nhạc, 1968) đã được tái bản năm 1978, lấy tên là “Các nhạc khí trong dàn nhạc giao hưởng”…

Năm 2005, nhạc sĩ Hồng Đăng đã tổ chức đêm nhạc đầu tiên mang tên Lênh đênh biển tại Nhà hát lớn Hà Nội và Nhà hát Hoà Bình (Thành phố Hồ Chí Minh). Năm 2008, ông cho ra mắt album Lênh đênh biển sau ba năm kể từ liveshow đầu tiên.

Với những đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Hồng Đăng đã được vinh danh và trao các giải thưởng cao quí như: Năm 2001, nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: ca khúc Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng năm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ và hợp xướng Lửa rực cháy ; ngày 12 tháng 8 năm 2007, được vinh danh trong chương trình Con đường âm nhạc mang tên 24hình/giây; ngày 28 tháng 10 năm 2021, nhạc sĩ Hồng Đăng được trao Giải thưởng Lớn "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" vì có những cống hiến xuất sắc cho nền âm nhạc Thủ đô. Có thể nói, sự ra đi của nhạc sĩ Hồng Đăng đã để lại nhiều luyến tiếc cho đông đảo khán, thính giả yêu âm nhạc tại Việt Nam ở nhiều lứa tuổi ./.

 

Bài viết cùng chủ đề