BAN ÂM NHẠC - VOV3
FM 102.7MHz
Chi tiết bài viết
GIAO LƯU NHỮNG NGƯỜI YÊU NGHỆ THUẬT CHÈO TOÀN QUỐC LẦN THỨ 8, NĂM 2023
Phỏng vấn Soạn giả, Nhà báo Mai Văn Lạng - Cố vấn Nghệ thuật.
Thứ bảy, 23:50, 01/04/2023
Xuân Kỳ
[VOV3] - Từ ngày 21 đến ngày 23/04/2023 tại Khu du lịch biển Đồ Sơn, Đoàn An điều dưỡng 295 – Tp. Hải Phòng. Phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền Đài TNVN và những người yêu chèo tổ chức “GIAO LƯU NHỮNG NGƯỜI YÊU NGHỆ THUẬT CHÈO TOÀN QUỐC LẦN THỨ 8, NĂM 2023”.
PV NB Mai Văn Lạng - Giao lưu Chèo 8
PV NB Mai Văn Lạng - Giao lưu Chèo 8

PV: Xin được gửi lời cảm ơn tới sự tham dự của soạn giả nhà báo Mai Văn Lạng (NB Mai Văn Lạng). Câu hỏi đầu tiên dành cho NB  Mai Văn Lạng, công tác chuẩn bị cho giao lưu Chèo 8 năm 2023 cho tới giờ phút này?

NB Mai Văn Lạng: Thưa quý vị!  hiện nay các khâu chuẩn bị cho giao lưu chèo toàn quốc lần thứ 8 đang gấp rút hoàn thiện. Thứ nhất, chúng tôi đã hoàn thành được danh sách hơn 130 tiết mục tham gia trong 4 buổi giao lưu. Thứ hai, chúng tôi đã có một đội ngũ nhạc công, chuẩn bị nhạc nền cho tiết mục để sẵn sàng phục vụ đệm nhạc cho các buổi diễn. Thứ ba, về mặt khâu tổ chức, chúng tôi đã làm việc với đoàn An Điều dưỡng 295 để chuẩn bị địa điểm sân khấu, công tác hậu cần, chỗ ăn, chỗ nghỉ của hàng trăm người . Tiếp đó đảm bảo các khâu như điện, nternet để cho bà con có sóng,  truyền tải nội dung mình tham gia giao lưu. Điều quan trọng nhất là khâu lên sóng phát thanh, chúng tôi đang báo cáo với lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, lãnh đạo Ban Âm nhạc để xin phép phát sóng trực tiếp buổi khai mạc vào lúc 20h tối ngày 21/4/2023 trên kênh VOV3. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã liên hệ và mời được một đội ghi hình rất tốt để phát sóng livestream trực tiếp bốn buổi giao lưu này trên trang “Giao lưu Chèo toàn quốc” hoặc trang cá nhân Mai Văn Lạng .

PV: Anh có thể cho biết, năm nay số lượng người tham dự và số lượng các tiết mục gửi về như thế nào?

NB Mai Văn Lạng: Thưa quý vị! năm nay có những điểm rất mới, đó là 50 trên 130 tiết mục hoàn toàn là những người mới lần đầu tiên đến tham dự. Chúng tôi cũng hiểu và trân trọng các bác, các anh chị đã tham gia nhiều lần vẫn đăng ký , nhưng ban tổ chức cũng thống nhất nhường sân lại cho những người chưa được tham gia bao giờ, đấy là thứ nhất. Cái thứ hai, năm nay Việt kiều ở các nước về cũng khá đông, ví dụ như là Việt kiều từ Đức, từ Anh . Thậm chí có người về trước cả tháng để chuẩn bị , hoàn thiện tiết mục, mua sắm quần áo để tham gia. Chưa kể nhiều tiết mục đăng ký của các tỉnh phía Nam như Đồng Nai hay là Tây Nguyên, Bình Định . Đặc biệt, theo như chúng tôi được biết sẽ có những đoàn có đến 80 người tham tham dự giao lưu. Đó là điều mà chúng tôi hết sức là vui mừng, phấn khởi, nhưng cũng rất là lo lắng. Bởi vì tổ chức làm sao cho vừa ấm cúng, vừa chân tình nhưng phải rất là chu đáo, cẩn thận và đặc biệt là phải đảm bảo an toàn cho tất cả những người tham gia.

PV: Vậy còn chất lượng các tiết mục tham dự thì sao, thưa nhà báo Mai Văn Lạng?

NB Mai Văn Lạng: Vâng, chất lượng thì cũng thưa quý vị là bắt đầu từ giao lưu lần thứ nhất năm 2015 đến nay đã là giao lưu lần thứ 8.Tám năm qua quý vị biết rồi, một người yêu chèo 8 năm đã có bao nhiêu vốn liếng rồi, bao nhiêu điều học hỏi rồi . Chưa kể sự phát tiển của mạng xã hội , rồi thông qua các chương trình dạy hát Chèo, dạy hát Dân ca trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Cho nên các anh các chị cũng đã nghe rất nhiều, tìm hiểu rất nhiều, các tiết mục cũng đã được nâng cao rất nhiều trong chất lượng nghệ thuật. Đáng chú ý, chúng tôi còn có được một đội ngũ những người soạn lời mới để góp thêm vào vườn hoa muôn màu muôn sắc về cả tiếng đàn và cả lời ca cho giao lưu.

PV: Câu hỏi cuối, nhà báo Mai Văn Lạng có thể cho biết giao lưu những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc có ý nghĩa với công tác bảo tồn vốn Văn hóa Cổ truyền của Dân tộc?

NB Mai Văn Lạng: Như chúng ta đã biết, chèo là một bộ môn nghệ thuật độc đáo, đặc sắc của Việt Nam. Nhiều thập kỷ trước đây khi mà còn trong chiến tranh thì nghệ thuật chèo phát triển rất mạnh. Có thể nói mỗi thôn, mỗi làng, thậm chí mỗi xóm các tỉnh miền Bắc đều có những đội chèo. Nhưng sau một thời gian bước vào cơ chế thị trường thì dần mai một. Những người sinh hoạt chèo ở những năm 60 thì lại càng ngày một già , trong khi lứa tuổi kế cận thì lớn tuổi mà cũng không hiểu nhiều về chèo. Cho nên chúng tôi cũng rất là may, cảm ơn làn sóng Đài TNVN, sự phát triển của mạng xã hội đã kết nối chúng tôi để chúng tôi tuyên truyền, quảng bá được nghệ thuật chèo và kết nối được những người yêu chèo với nhau.  Và rất là mừng ,  sau một thời gian hoạt động, đặc biệt qua các cuộc giao lưu chèo toàn quốc thì nghệ thuật hát chèo đã được nâng lên một tầm cao, được phổ biến rộng rãi. Hiện nay, phong trào hát chèo phát triển mạnh không chỉ ở các làng quê, các tỉnh Bắc Bộ mà ở các tỉnh miền núi cũng có và các tỉnh miền Nam cũng có, đó là điều đáng quý thứ nhất. Tiếp đó, qua các cuộc giao lưu này một lần nữa khẳng định nghệ thuật chèo đã và đang tồn tại mạnh mẽ. Hai là khuyến khích những người yêu chèo học hát, tìm tòi, nâng cao để tham gia giao lưu, có được những tiết mục hay nhất để mang đến giao lưu. Cái thứ ba, qua các cuộc giao lưu chúng ta dần khẳng định rằng, nghệ thuật chèo đã được phát triển một cách mạnh mẽ, đồng đều và ngày càng có nhiều bạn trẻ tham gia hơn.  Đáng chú ý là đội ngũ những người soạn lời mới cho dân ca nói chung và cho chèo nói riêng ngày càng phát triển, phục vụ cho giao lưu ở địa phương, phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy bản sắc Văn hóa Dân tộc ở địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

PV: Vâng, xin cám ơn soạn giả nhà báo Mai Văn Lạng!

Bài viết cùng chủ đề