
Trần Thu Hường là một nhạc sĩ, cô giáo ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, được các em thiếu nhi biết đến qua các ca khúc tuổi thơ như: các bài “Mẹ là tất cả mẹ ơi”, “Em yêu Di Linh”, “Trăng của nội”, “Vầng trăng cánh võng”, “Niềm vui em đến trường” v.v… Vừa qua, nhạc sĩ đã xuất bản album âm nhạc “Em yêu đồng dao” do chị phổ nhạc cho các bài đồng dao. Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa phóng viên âm nhạc với nhạc sĩ, cô giáo Trần Thu Hường về album “Em yêu đồng dao” của chị.
PV: Xin chào nhạc sĩ Trần Thu Hường, chúng tôi được biết vừa qua chị đã xuất bản album “Em yêu đồng dao”. Vậy, xin chị có thể cho biết từ nguồn cảm hứng nào mà chị đã viết nhạc và xuất bản album này ?.
TTH: Có một lần Thu Hường vừa dạy xong. Tới giờ ra chơi, các em học sinh chơi trò chơi “Tay có tay không” nhưng lại không biết đọc bài đồng dao để ghép vào trong trò chơi này cho nó thật hay. Thế là Thu Hường tự hỏi: Tại sao các em không đọc đồng dao trong trò chơi này nhỉ ?.
Khi các em hỏi: Cô ơi, đồng dao là gì ạ?. Thu Hường mới chợt nhận ra là các em không biết đồng dao là gì. Và thế là mình đã đọc cho các em nghe bài đồng dao “Đúc cây dừa chừa cây mạng” và ứng dụng nó vào trong cái trò chơi “Tay có tay không”. Và các em chơi trò chơi này hấp dẫn quá, rất là thích.
Sau đó, Thu Hường về bàn với ban giám hiệu nhà trường và các thầy cô giáo làm một chuyên đề ngoài giờ để giúp cho các em sưu tầm đồng dao. Sau khoảng 2 năm, các em đi sưu tầm ở trên mạng, rồi về các buôn làng và tại gia đình hỏi bố mẹ đã tìm được rất là nhiều bài đồng dao.
Tìm được các bài đồng dao rồi nhưng các em lại không có thời gian để chơi các trò chơi đó. Bởi vậy, Thu Hường mới nảy ra ý nghĩ: Tại sao mình không viết nhạc cho những cái bài đồng dao đó?. Bởi vì đồng dao chỉ có tiết tấu thôi mà không có có cao độ.
Cho nên Thu Hường đã đưa âm nhạc hiện tại vào và làm cho những bài đồng dao đó hấp dẫn hơn, mang hơi thở đương đại và giúp các em có thể hát những bài hát đó ở trong các chương trình văn nghệ hoặc đưa vào giảng dạy trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa.
Và Thu Hường nhận thấy là: Các em rất là thích hát những cái bài này. Cho nên Thu Hường đã chọn ra trong khoảng 200 bài đồng dao mà các em đã sưu tầm được để làm một cái tập nhạc có tên là “Em yêu đồng dao” và phổ được 20 bài đồng dao như thế. Trong 20 bài đó, Thu Hường chọn ra 10 bài để dàn dựng thu âm rồi quay MV một cách chuyên nghiệp và xuất bản nó.
Sau khi MV ra đời, nó đã được nhiều Đài Truyền hình đón nhận cũng như được sự hỗ trợ của Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh Lâm Đồng, đã khiến cho Thu Hường tăng thêm cảm hứng để hoàn thành MV này.

PV: Xin chị có thể giới thiệu đôi nét về album “Em yêu đồng dao” ?
TTH: Album “Em yêu đồng dao” gồm 10 ca khúc được phổ từ lời đồng dao. Thu Hường chọn lọc những bài đồng dao có tính chất giáo dục để phổ nhạc. Bởi vì, đồng dao có những bài có ý nghĩa. Nhưng, cũng có những bài vu vơ, chỉ có vần, điệu đọc lên, nghe ngồ ngộ, dễ thương thôi.
Do đó, những bài đồng dao nội dung không có ý nghĩa lắm thì mình cũng không chọn mà chỉ chọn những bài có cái tính giáo dục thôi. Thông qua những lời đồng dao, Thu Hường phổ nhạc để giúp cho các em phát triển nhân cách, thẩm mỹ rất nhiều.
Các bài đồng dao mà mình thấy có thể giúp cho các em phát triển được nhân cách. Ví dụ như: bài đồng dao nói về 2 bàn tay, Thu Hường sẽ lồng nhạc vào với mục đích giáo dục các em giữ đôi bàn tay sao cho sạch. Mình thấy: những bài hát mang tính chất giáo dục phổ nhạc vào các em rất thích. Và, 10 cái bài hát trong album này là mười cái bông hoa khác nhau, có nội dung khác nhau.
Album này đã giúp cho các em biết đến đồng dao, những lời nói ngộ nghĩnh, dễ thương như thế mà tại sao lâu nay chưa được tiếp xúc. Thu Hường thấy: trẻ em bây giờ ít tiếp xúc với đồng dao quá, cho nên làm cái album này. Mình nghĩ: Nó giống như là tuổi thơ của các em, rất thực tế nhưng lại mang hơi thở của hiện đại bằng âm nhạc hiện đại.
Thu Hường cũng sử dụng các chất liệu dân ca để phổ nhạc cho đồng dao nên có nhiều bài mang âm hưởng dân ca. Bên cạnh đó, cũng có một số bài mang hơi hướng của âm nhạc hiện đại cho nên các em rất thích.
PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ, cô giáo Trần Thu Hường.