Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính cho biết, ông đã âm thầm, ấp ủ và tâm huyết tạo nên tác phẩm nhạc kịch mang tên "Huyền diệu biển" để nói về sự nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức của Vua Hùng thứ XVI (nhân vật Lang Liêu) trong quá trình xây dựng đất nước. Tác phẩm có phần âm nhạc mang âm hưởng dân gian rất lớn cho dù viết cho nhạc kịch. Ngôn từ trong vở diễn cũng đậm chất thi ca. Ông hy vọng vở nhạc kịch sẽ là một sản phẩm nghệ thuật đúng với tinh thần, tầm vóc của một tác phẩm lớn ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước.
Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính sinh ngày 10/8/1943, quê quán Bình Lục, Hà Nam. Ông tốt nghiệp Khoa Sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) năm 1979. Đến nay, ông đã viết trên 500 ca khúc, nhiều tác phẩm khí nhạc, một số kịch bản kịch hát và viết nhạc cho trên 100 vở diễn kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, kịch dân ca... Âm nhạc của Nhạc sỹ Ngô Quốc Tính thấm đượm tinh hoa âm nhạc dân tộc, khúc triết, dày công tìm tòi sáng tạo, nhất là trong khí nhạc. Năm 2012, ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Trong “Huyền diệu biển”, nhân vật chính được đề cập đến là Lang Liêu, vị Vua Hùng với truyền thuyết bánh chưng, bánh dày và tình yêu đẹp với tiên nữ Bạch Hạc. Nhưng cả hai đã chấp nhận hy sinh tình yêu đôi lứa để dâng tặng cho đất nước Văn Lang sự bình yên và hưng thịnh. Vở ca kịch được chia làm 4 màn: Thi tài; Cùng Bạch Hạc đánh giặc ngoại xâm; Mưu thuồng luồng và Bình yên trở lại, có sự góp mặt của nhiều nghệ sỹ nhạc kịch hàng đầu hiện nay như Tố Loan, Trịnh Thanh Bình, Trần Trang, Bùi Trang và các nghệ sỹ ballet Thu Hằng, Đức Hiếu, Lệ Thanh…
Buổi diễn bắt đầu với màn 1 mang tên “Thi tài”. Các nghệ sĩ đã đem truyền thuyết của dân ta lên sân khấu nhạc kịch, đó là “Sự tích bánh chưng, bánh dày”. Qua đó, tác giả cũng như đạo diễn muốn truyền tải đến khán giả đạo lí cao đẹp của dân tộc – luôn đề cao ý thức tôn kính tổ tiên, xây dựng phong tục tập quán trên cơ sở coi trọng những giá trị sáng tạo thiêng liêng của nhân dân. Đặc biệt, phần biểu diễn múa của Bạch Hạc – con chim quý của triều đình, cũng là món quà mà vua cha trao tặng cho Lang Liêu khi truyền ngôi báu, đã gây ấn tượng với khán giả. Diễn viên múa Thu Hằng trong vai Bạch Hạc nhận được cơn mưa lời khen cùng những tiếng hò reo của khán giả bên dưới.
Màn 2 của chương trình đó là “Cùng Bạch Hạc đánh giặc ngoại xâm”. Phần tiếp theo này đã mang đến cho khán giả màn trình diễn mãn nhãn, với giọng hát đầy cảm xúc của Thanh Bình (Lang Liêu) và Tố Loan (Bạch Hạc). Ở phần này, Lang Liêu tập trung hướng dẫn người dân cấy lúa, trồng lúa, từng bước giữ gìn giang sơn. Màn thứ hai của chương trình nói về truyền thống nông nghiệp của dân ta, ca ngợi thành tựu văn minh nông nghiệp ở buổi đầu dựng nước, khen ngợi và đề cao trí thông minh của người lao động, đề cao nghề nông.
Phần 3 của chương trình “Mưa thuồng luồng” là trận chiến đấu giữa Lang Liêu và giặc ngoại xâm thuồng luồng thuỷ quái. Thuỷ quái phun nước làm đổ tường thành là ẩn dụ cho việc bão lũ ảnh hưởng đến mùa màng của dân ta hằng năm, thiệt hại vô cùng. Ở phần này, khán giả được chứng kiến màn song kiếm hợp bích của Lang Liêu và Bạch Hạc, Bạch Hạc vì muốn cứu người mình yêu mà đã hi sinh tiếng hát, vì vậy nàng phải trở về với Biển Mẹ. Qua tiếng hát nhẹ nhàng mà sâu lắng của nàng Bạch Hạc, đạo diễn đã lồng ghép vào đó một cách tinh tế, về thông điệp bảo vệ môi trường, đạc biệt là bảo vệ biển xanh. Các nghệ sĩ cũng cất lên tiếng hát kêu gọi khán giả chung tay bảo vệ rừng xanh, gìn giữ vẻ đẹp thiên nhiên, để cuộc sống của dân làng được tươi đẹp cũng như là cuộc sống của mỗi con người chúng ta.
Màn cuối cùng của vở kịch “Bình yên trở lại” có giai điệu trầm lắng, gợi sự tiếc nuối trong lòng khán thính giả. Khi niềm vui hoà bình trở lại với người dân Văn Lang cũng là lúc chàng Lang Liêu đau đớn mất đi Bạch Hạc. Sự chia ly giữa hai người khiến Lang Liêu ngộ ra một điều, khi yêu nhau đâu cứ nhất thiết phải ở bên nhau. Nhưng để được gần nàng mãi mãi, Lang Liêu xin được hoá thân vào trống đồng. Tác giả muốn ca ngợi nét đẹp tinh hoa của trống đồng Việt Nam, ca ngợi những giá trị cốt lõi, xa xưa, đề cao văn hoá dân tộc.