VOV3: Thưa nhạc sĩ, Hát về một bến sông quê là một ca khúc anh mới sáng tác về một chiến thắng hào hùng của quân dân ta trong KCCP, với phần lời thơ của nhà thơ Trần Khoái, anh có thể cho biết hoàn cảnh ra đời của ca khúc?
NS Ngô Duy Đông: Thiết thực kỷ niệm 80 năm ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngày 20/9/2024, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã phát động cuộc thi sáng tác về chủ đề “Hát tiếp khúc quân hành”; là một nhạc sĩ, tôi cũng băn khoăn, cũng muốn viết gì đó để hưởng ứng cuộc phát động này và cũng thể hiện tình cảm của mình với Quân đội Nhân dân VN anh hùng. Trong lúc trăn trở tìm ý tưởng thì nhà thơ Trần Khoái đã gọi điện và đọc cho tôi nghe bài thơ “Ghềnh Khoan Bộ yêu thương” do ông mới viết. Bài thơ đã lay động trái tim tôi ngay từ những khổ thơ đầu. Ngay tối hôm đó, tôi đã hào hứng ngồi vào đàn piano, xây dựng ca từ, giai điệu và 2 hôm sau ca khúc “Hát về một bến sông quê” đã hoàn thành.
VOV3: Nhạc sĩ có thể giới thiệu qua một chút về tác giả Thơ không ạ?
NS Ngô Duy Đông: Nhà thơ Trần Khoái sinh năm 1944, quê xã Tiên Lữ - huyện Lập Thạch - Tỉnh Vĩnh Phúc. Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, nguyên giáo viên Văn học trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc; Chi hội trưởng Chi hội Thơ - Hội VHNT Vĩnh Phúc. Ông là một nhà thơ tài năng, có nhiều tác phẩm được độc giả yêu thích, đón nhận và giành được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam như: 2 Trường ca “Chìm nổi làng quê”, “Quê làng” và tập thơ “Miền xa”. Ông cũng có nhiều bài thơ đã được các nhạc sĩ phổ nhạc. Riêng tôi đã sử dụng 6 bài thơ của ông để làm ca từ cho các tác phẩm âm nhạc của mình.
VOV3: Vậy cụ thể khi sử dụng âm nhạc chắp cánh cho thơ, anh phổ thơ hay dựa ý thơ?
NS Ngô Duy Đông : Trong tác phẩm “Hát về một bến sông quê” ca từ tôi xây dựng chủ yếu là từ thơ của Nhà thơ Trần Khoái. Tôi chỉ điều chỉnh, thêm bớt một số câu, một số từ ngữ cho phù hợp với tính chất, khúc thức, giai điệu của tác phẩm.
VOV3: Về Âm nhạc, anh có thể chia sẻ cho thính giả, công chúng yêu nhạc lý do anh chọn giọng trưởng cho tác phẩm, cụ thể giọng (D) Rê trưởng?
NS Ngô Duy Đông: Ngay khi ngồi vào đàn piano để viết ca khúc này, các ngón tay của tôi đã tự động chạy trên các âm giai của giọng D trưởng. Không chỉ vì tôi rất thích những âm thanh được vang lên từ giọng D trưởng mà tôi muốn viết ở giọng D trưởng bởi các âm thanh, các quãng của giọng D trưởng phù hợp với tính chất tha thiết, nhưng tự hào, tươi sáng của ca khúc này và khoảng cách các âm thanh của giọng D trưởng cũng phù hợp với âm vực, tông giọng nam trung và nam cao. (các ca sĩ hát demo bài này tôi cũng đã xác định, chọn lựa ngay từ khi tôi viết ca khúc này).
VOV3: Anh triển khai khúc thức âm nhạc thế nào?
NS Ngô Duy Đông : Ca khúc “ Hát về một bến sông quê” được tôi viết ở hình thức 2 đoạn đơn tương phản và có phần Kết vĩ (phần Kết vĩ là phần được thêm vào cuối tác phẩm trứơc khi kết thúc hẳn mà âm nhạc phương Tây gọi là phần Coda). Nói là 2 đoạn đơn tương phản nhưng không có nghĩa nó khác nhau hoàn toàn, mà nó chỉ tương phản về nhịp điệu, tiết tấu; còn nội dung và hình tượng âm nhạc của toàn bộ tác phẩm luôn ở thể thống nhất, hoàn chỉnh.
Đoạn 1: Tôi để ở nhịp 4/4 với tốc độ vừa phải – tính chất âm âm nhạc thiết tha, ngợi ca, tự sự, tương tự như kể chuyện... về một làng quê trung du tươi đẹp bên dòng Lô hiền hòa, về một triền đê vàng nắng, xanh thắm lá ngụy trang hòa trong tiếng chim vườn quê tha thiết của Thu Đông 1947.
Đoạn 2: Tôi chuyển sang nhịp 2/4 với tốc độ nhanh hơn, thôi thúc và hào khí. Lúc này tôi thay đổi tiết tấu, âm hình nốt nhạc đã xuất hiện nhiều chấm giật, mục đích tạo cho người nghe về một không khí sục sôi, nóng bỏng của trận đánh cùng sự hân hoan của quân dân ta trong chiến thắng bên sông.
Nếu ở đoạn I kết về âm chủ thì đoạn II tôi để kết về âm bậc II, cũng là âm 5 trong hợp âm át của giọng D trưởng. Đây chính là thủ pháp kết mở, mà kết mở nghĩa là vẫn còn nữa. Chính vì thế, ở cuối tác phẩm đã có them phần kết vĩ với 8 ô nhịp tái hiện lại ở nhịp 4/4 như là sự tổng kết lại toàn bộ nội dung và hình tượng âm nhạc đã được trình bày ở hai đoạn trên để bước vào kết một cách trọn vẹn tại âm chủ. Ở phần kết, tôi đã đẩy dần tuyến giai điệu lên âm vực cao hơn, tạo cao trào. Một phần để ca sĩ biểu diễn thể hiện kỹ thuật thanh nhạc, phần chính là tạo nên cảm xúc lạc quan, phơi phới tự hào cho cả người hát và người nghe. Qua đây cũng muốn một lần nữa khẳng định: chiến thắng ghềnh Khoan Bộ - Sông Lô là một chiến thắng lớn, quan trọng. Chiến thắng này đã thay đổi hoàn toàn cục diện chiến tranh giữa ta và thực dân Pháp, đã tô thắm thêm lá cờ quyết thắng, vinh quang của Quân đội Nhân dân Việt Nam mà bến sông bên ghềnh Khoan Bộ là một chứng nhân muôn đời về chiến thắng này.
VOV3: Phần phối khí đã thể hiện được tinh thần, hình tượng nghệ thuật mà anh muốn gửi gắm chưa?
NS Ngô Duy Đông :Tôi đánh giá cao phần phối khí cho ca khúc này do nhạc sĩ trẻ Tôn Tẫn thực hiện. Nhạc sĩ Tôn Tẫn đã phối khí theo phong cách Somi classic có đủ giàn dây, timpani, Cymbale, dàn kèm đồng, Bass… và bản phối khí đã thể hiện được đúng tinh thần và phù hợp với ca khúc của tôi.
VOV3: Bài hát là một món quà rất ý nghĩa, đặc biệt trong dịp cả nước hướng tới kỷ niệm 80 năm thành lập quân đội nhân dân VN (22/12/1944-22/12/2024), anh muốn chia sẻ thêm điều gì không?
NS Ngô Duy Đông: Tôi hy vọng công chúng sẽ yêu thích, đón nhận tác phẩm này và tác phẩm sẽ được lan tỏa trong đời sống; cùng với đó, những chiến công oai hùng, hiển hách của Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ mãi vang ngân, sẽ mãi là niềm tự hào của mọi người dân Việt Nam hôm nay và mai sau.
VOV3: Xin cảm ơn nhạc sĩ, chúc nhạc sĩ sức khỏe , hạnh phúc và bút lực ngày càng dồi dào.
Trước khi về công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc , NS Ngô Duy Đông đã có hơn 10 năm giảng dạy âm nhạc ở Trường Văn hóa Nghệ thuật Vĩnh Phú (sau này là trường Văn hóa Nghệ thuật Vĩnh Phúc); tiếp đó là 7 năm làm Trưởng Đoàn Nghệ thuật Ca múa nhạc tỉnh và nhiều năm làm công tác quản lý tại Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc.
Trên cơ sở những kiến thức âm nhạc được học tập tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam cùng với môi trường công tác và thực tiễn cuộc sống đã tạo cho anh nhiều cảm xúc để sáng tác âm nhạc. Nhiều tác phẩm âm nhạc của anh đã được Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Bộ VHTT và Du lịch trao giải thưởng. Nhiều tác phẩm đã lan tỏa trong đời sống được người yêu nhạc và các văn nghệ sỹ yêu thích đón nhận:
Ca khúc Về Sông Lô: Giải A Hội Nhạc sỹ Việt Nam năm 2012.
Ca khúc Nhật lệnh gọi bình minh: Giải A Hội Nhạc sỹ Việt Nam năm 2014
Ca khúc Thành phố vầng trăng: Huy chương Bạc Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp năm 2015
Ca khúc Đợi duyên: Giải B Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2022