BAN ÂM NHẠC - VOV3
FM 102.7MHz
Chi tiết bài viết
Tuần Châu ơi!
Bài hát mới của nhạc sĩ Tào Khánh Hưng – Phó TBT Báo Xây dựng
Thứ tư, 19:23, 13/12/2023
Xuân Kỳ
[VOV3] - "Tôi muốn dùng cách trò chuyện giữa hai người con trai và con gái để làm nổi bật hình tượng nghệ thuật muốn chuyển tải và bên cạnh câu chuyện tình yêu đôi lứa còn là tình yêu quê hương đất nước hoà quyện trong đó". (ấn play nghe chương trình và bài hát)
V3 - Trò chuyện với nhạc sĩ, nhà báo Tào Khánh Hưng
V3 - Trò chuyện với nhạc sĩ, nhà báo Tào Khánh Hưng
Ca khúc - Tuần Châu ơi - Ca sĩ Trường Lâm, Ngọc Liên
Ca khúc - Tuần Châu ơi - Ca sĩ Trường Lâm, Ngọc Liên

PV: Thưa nhà báo, nhạc sĩ Tào Khánh Hưng, bài hát “Tuần Châu ơi” ra đời trong hoàn cảnh nào?

NS Tào Khánh Hưng: Tuần Châu ơi,  là một ca khúc tôi viết mới gần đây, nhân dịp cùng đoàn cán bộ, phóng viên của Báo Xây dựng về thăm đảo Tuần Châu ngày 20/10/2023 vừa qua. Không riêng cá nhân tôi mà tất cả cán bộ, phóng viên của báo khi về khu du lịch Quốc tế Tuần Châu này cũng rất ngạc nhiên và ngỡ ngàng trước sự đổi thay đến chóng mặt nơi đây, tự hào vì Quảng Ninh có một khu du lịch nổi tiếng, không những của cả nước mà có tầm cỡ quốc tế, đây cũng là một nơi tạo thêm nguồn ngân sách đáng kể cho tỉnh Quảng Ninh và cả nước.

PV: Bài hát có tính chất trữ tình, nhưng những sự kiện: vẻ đẹp của đảo ngọc, Bác Hồ về thăm nơi đây, nơi khởi nguồn đoàn tàu không số được nhạc sĩ đưa vào trong ca khúc một cách rất uyển chuyển, anh vận dụng thế nào?

NS Tào Khánh Hưng: Đã có nhiều ca khúc sáng tác về Quảng Ninh của nhạc nhạc sĩ khác, mỗi nhạc sĩ có cách cảm nhận riêng về Quảng Ninh. Riêng tôi đến với Tuần Châu và Quảng Ninh, tôi nhìn thấy Tuần Châu ở một góc nhìn của nhà báo. Và khi đưa vào ca khúc, nội dung là sự tổng hợp, lựa chọn những cái gì đặc trưng nhất của Tuần Châu và Quảng Ninh. Như đoàn tàu không số, qua tìm hiểu được biết; ngày 23/10/1964, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97 thành lập cái đoàn 759 vận tải thủy và đồng chí Trung tá Đoàn Hồng Phước làm trưởng đoàn, có 38 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 20 đồng chí thuộc các thuyền của Bến Tre, Trà Vinh và Liên khu 5, anh Đào Hồng Tuyển (nhân vật của ca khúc) lúc đấy mới tuổi 18 đôi mươi đã tình nguyện xung phong vào đoàn tàu không số. Và hình ảnh tàu không số đó gắn với người chiến sĩ của Tuần Châu, hiện nay anh Tuyển đang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Tuần Châu.  

PV: Vâng, thưa nhà báo, nhạc sĩ Tào Khánh Hưng, khi đặt bút sáng tác ca khúc này,  lý do mà anh chọn một cặp song ca nam nữ thể hiện?

NS Tào Khánh Hưng: Tôi muốn dùng cách trò chuyện giữa hai người con trai và con gái để làm nổi bật hình tượng nghệ thuật mình muốn chuyển tải và bên cạnh câu chuyện tình yêu đôi lứa ấy, còn là tình yêu quê hương đất nước hoà quyện với nhau. Khi đặt bút viết giai điệu và lời ca khúc tôi đã nghĩ đến ca sĩ Trường Lâm vừa tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia hiện đang là diễn viên Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng - người vừa đoạt Huy chương Bạc tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc năm 2023 và ca sĩ Ngọc Liên giọng hát xuất sắc được nhiều người yêu thích thể hiện tác phẩm này. Và hai ca sĩ đã thể hiện rất thành công “ Tuần Châu Ơi”.

PV: Vậy thì trong bài hát này, câu hát nào khiến nhạc sĩ Tào Khánh Hưng khi sáng tác cảm thấy đắn đo hoặc là gây cảm xúc nhất cho anh?

NS Tào Khánh Hưng: Với góc nhìn của một nhà báo, tôi nhìn ở Tuần Châu theo cách riêng và chọn lọc tinh tế nhất ca từ để đưa vào ca khúc.  Hai chi tiết mà tôi rất tâm đắc, là hình ảnh về những chuyến tàu không số gắn với tên tuổi chiến sĩ Đào Hồng Tuyển và địa danh Tuần Châu nơi vinh dự, tự hào được Bác Hồ về thăm với câu nói nổi tiếng của Người là “ Phải xây dựng Tuần Châu thành ngọc châu” được tôi thể hiện trong lời ca khúc này.

“Tôi đã suy nghĩ rất kỹ về nhà báo Tào Khánh Hưng, phải nói anh rất đa năng. Thế nhưng, nó có nguồn gốc của nó, ngay từ tấm bé anh đã là một người công nhân rồi, một thợ Hàn. Cái thời rất gian khó đó thì anh đã từng làm thơ, đã từng viết báo, và sau khi trở thành một nhà báo chuyên nghiệp rồi, thì Tào Khánh Hưng đã phát huy được phẩm chất của mình. Trước hết là một người công nhân, cho nên thơ và nhạc của anh bao giờ cũng có nét tươi mới, nó gần gũi rất đời thường, da diết, nó có một cái gì đó làm cho mỗi người sau khi nghe xong thấy mình ở trong đấy, ở trong lao động sản xuất. Và cái điều mà tôi cũng ngạc nhiên ở chỗ này , Tào Khánh Hưng đi đến bất kỳ một miền đất nào cũng đều cho ra được các tác phẩm thơ, như chính mình là đứa con của Hưng Yên, đứa con của Hà Nam, đứa con của của Thái Nguyên, của Phú Thọ, của Quảng Ninh… Phải có một trái tim rất nhạy cảm như thế nào đó mới nhìn được, mới phát hiện ra được những nét độc đáo, tinh tế… để cho ra đời những bài hát, tác phẩm báo chí hay những bài thơ hay như vậy”

“ … Nhớ năm xưa một thời hoa lửa

Đoàn tàu không số quả cảm, anh hùng

Vượt sóng lừng, mắt bão, đạn bom

Vì miền Nam mở tuyến đường trên biển”

Và câu hát:

Sau năm tháng chiến chinh

Anh trở về với đảo Ngọc

Nối yêu thương đảo với đất liền

Nơi Bác Hồ lưu dấu năm xưa

Cuộc sống mới hòa trong biển lớn

Thênh thang Quảng Ninh đảo ngọc, biển vàng..”

Tôi rất tâm huyết với ý này, ngợi ca người thật việc thật, đó là anh Đào Hồng Tuyển, người đã tham gia các chuyến tàu không số đó. Anh may mắn hơn các chiến sĩ khác trở về và phát huy trí tuệ, nghị lực của mình dốc sức xây dựng Tuần Châu như mong ước của Bác năm xưa khi về thăm. Bác mong muốn rằng Tuần Châu phải trở thành đảo ngọc, và bây giờ điều đó đã được Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh cùng người cựu chiến binh đoàn tầu không số Đào Hồng Tuyển thực hiện thành công.

PV: Vâng! Xin cảm ơn nhà báo, nhạc sĩ Tào Khánh Hưng.

NS Tào Khánh Hưng: Trước tiên xin cảm ơn Vov3 cho tôi có cơ hội để nói về tác phẩm của mình, chia sẻ cảm xúc của mình khi một đứa con tinh thần ra đời. Và nhân đây xin được cảm ơn nhà báo Lê Quang Vinh và nhà thơ Lê Tuấn Hiến đã luôn cỗ vũ động viên tôi trong suốt quãng thời gian  qua. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục phát huy để cho ra đời những tác phẩm có chất lượng hơn, lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước đến với đồng bào cả nước.

Bài viết cùng chủ đề