BAN ÂM NHẠC - VOV3
FM 102.7MHz
Chi tiết bài viết
Tây Bắc đó
Nhạc sĩ Vũ Mạnh Cường – Nhà hát Đài Tiếng Nói Việt Nam
Thứ hai, 19:52, 09/01/2023
Xuân Kỳ
[VOV3] - “ Tôi muốn ca ngợi vẻ đẹp của miền Tây Bắc, những vẻ đẹp tự nhiên, sự huyền bí của vùng đất nơi đây, kể cả những những chi tiết nhỏ như dốc núi, ngọn đồi, nhà sàn, khói lam chiều…”
PV NS VŨ MẠNH CƯỜNG
PV NS VŨ MẠNH CƯỜNG
TÂY BẮC ĐÓ - TỐP NỮ VOV
TÂY BẮC ĐÓ - TỐP NỮ VOV

PV: Vâng, xin chào nhạc sĩ Vũ Mạnh Cường, cũng trong không khí năm mới 2023, chúc anh và gia đình sức khỏe và bút lực dồi dào. Nhạc sĩ có thể cho biết ca khúc ra đời trong hoàn cảnh nào?

NS Vũ Mạnh Cường: Xin cảm ơn nhà báo Phạm Xuân Kỳ! Thực ra tôi đã có ý tưởng viết về vùng Tây Bắc này rất lâu rồi, từ khi còn ở quân ngũ, đoàn văn công Quân khu 2. Do điều kiện đi công tác nhiều ở Tây Bắc, nên những ấn tượng đẹp về Tây Bắc được ấp ủ từ những năm 1988,1990 .

PV: Bài hát đẹp như một bức tranh bằng âm thanh với những hình tượng nên thơ. Tây Bắc với những mảng màu đan xen khiến người nghe cảm nhận như về một miền cổ tích. Đây có phải là cái tứ mà nhạc sĩ muốn truyền tải tới người nghe không ạ?

NS Vũ Mạnh Cường: Đúng như vậy, tôi muốn ca ngợi vẻ đẹp của miền Tây Bắc, những vẻ đẹp tự nhiên, sự huyền bí của vùng đất nơi đây, kể cả những những chi tiết nhỏ như dốc núi, đồi, nhà sàn, khói lam chiều. Và còn nhiều những hình ảnh khác mà trong khuôn khổ một bài hát không đưa hết được. Chỉ chọn lựa một số hình tượng tượng trưng để ca ngợi vẻ đẹp của Tây Bắc nói chung.

PV: Trong ca khúc có một câu hát như thế này “…cô gái Thái lưng cõng mây treo leo..” từ đâu mà nhạc sĩ Vũ Mạnh Cường lại có cái tứ gợi hình tượng như thế?

NS Vũ Mạnh Cường: Trong một chuyến công tác, chúng tôi đi ở dãy núi bên này nhìn sang bên kia, thấy một tốp khoảng ba đến bốn cô gái người Thái. Các cô ấy gùi trên lưng những sản vật đi lên nhà của mình trên đỉnh núi đó. Và nó cao tới mức mà những áng mây vờn quanh gùi, vờn quanh thân hình của các cô.  Câu hát ấy ra đời như vậy

PV:Đúng là phải có những chuyến đi thực tế như vậy thì mới có được những câu hát hay đúng không ạ?

NS Vũ Mạnh Cường: Đúng như thế,  ngày xưa tôi là bộ đội ở đoàn văn công , nên được đi rất nhiều, mà đặc biệt là chỉ đi Tây Bắc thôi. Cho nên nó ám ảnh và ấn tượng trong tôi đến tận bây giờ mới có điều kiện để chắt lọc ra những ca từ súc tích .

PV: Trong ca khúc thì đâu là câu hát mà anh thích nhất?

NS Vũ Mạnh Cường: Đấy là “cô gái Thái lưng cõng mây cheo leo” và “vang vọng tiếng khèn”. Nó mênh mang nhưng lại mềm mại. Cô gái Thái thì tôi giải thích rồi, còn tiếng khèn mênh mang và mềm là do điều kiện không gian của vùng núi Tây Bắc đó. Nó làm cho tiếng khèn cứ dìu dặt, rất mơ mộng, thiên nhiên và mềm mại. Giống như những sợi mây cứ quấn xung quanh những ngọn núi.

PV: Chúng ta đã nói về nội dung rồi, về ca từ, về hình tượng nghệ thuật của ca khúc rồi. Và để có được bức tranh âm thanh hoàn mỹ chắc chắn là âm nhạc. Anh vận dụng âm hưởng dân gian Tây bắc thế nào trong tác phẩm của mình?

NS Vũ Mạnh Cường: Tôi vận dụng hoàn toàn bằng chất lượng của dân ca Thái, hầu như chỉ phát triển có một chút thôi và không lệch ra khỏi bản gốc của dân ca, tôi chỉ lấy những mẩu đầu thôi. Ví dụ như là “inh lả ơi” thì sẽ ghép vào với câu của tôi là “quanh quanh lên dốc lại xuống đèo, à ơ” . Đấy là phết phẩy mang âm hưởng thôi, để mọi người nghe từ câu đầu có thể nhận ra ngay, đó là Tây Bắc.

PV: Nhiệm vụ chính của nhạc sĩ Vũ Mạnh Cường tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam là phối khí,  thu thanh cho các tác phẩm âm nhạc phục vụ làn sóng phát thanh. Khi tự phối khí ca khúc do chính mình sáng tác thì chắc chắn anh sẽ có cảm xúc hơn?

NS Vũ Mạnh Cường: Cũng có một số ca khúc tôi có băn khoăn trắc trở vì một vấn đề mà rất nhiều nhạc sĩ khi phối bài cho mình bị,  đó là muốn nhồi nhét tất cả những gì mà mình nghĩ tới để đưa vào ca ca khúc, sinh ra bị rườm rà. Nhưng riêng bài “Tây Bắc đó”, thì ngay khi tôi viết đã hình thành cùng một lúc bản phối rất đơn giản. Tôi chỉ cần tính hiệu quả và màu sắc của bản phối thôi, chứ không đi vào chi tiết của những cây nhạc cụ để thể hiện. Vì phần thể hiện hay nhất chính là lời ca và ca từ, cộng với tiết tấu của chính bài hát, nó sẽ tạo nên vẻ đẹp chứ không cần thiết đến một bản phối quá dày dặn và quá phức tạp.

PV: Anh vừa nhắc tới hay ở lời hát, ca từ, bây giờ chúng ta sẽ nói đến phần ca sĩ thể hiện. Anh có ưng ý với tốp nữ của Đài Tiếng nói Việt Nam.

NS Vũ Mạnh Cường: Phải nói ưng ý vô cùng, cảm ơn các ca sĩ của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, đoàn Ca nhạc mới. Cũng rất may mắn cho tôi khi thực hiện tác phẩm này, năm giọng ca đều là những giọng hát có tính dân gian, pha một chút thính phòng như của Trần Hồng Nhung, Phan Thu Lan, Bùi Lê Mận và Đinh Thành Lê, hơi pha một chút bô lê rô như Bùi Thu Huyền. Một điều may mắn cho tôi là là tôi đã có năm ca sĩ này, họ thể hiện giống như khi tôi nhìn thấy các cô gái Thái “lưng cõng mây treo leo” đó.

PV: Khi bài hát vang lên, anh nhận được phản hồi của đồng nghiệp như thế nào?

NS Vũ Mạnh Cường: Đầu tiên cảm ơn các ca sĩ , ngay khi cầm bản nhạc, họ ra đàn piano để vỡ bài thì họ đã cảm thấy thích ngay từ đầu rồi. Đấy là một thành công đầu tiên với sự phản hồi từ phía ca sĩ. Sau đó đến khi dàn nhạc thể hiện, các nghệ sĩ đánh giá là rất “duyên dáng, ngắn gọn, xúc tích”. Còn đến khi các bạn bè, đồng nghiệp, cả những người bạn không biết nhạc của tôi nghe, phải nói rằng đến hơn 90 phần trăm đều thích tác phẩm. Tôi rất vui, và cũng không nghĩ rằng bài hát được nhiều bạn bè ủng hộ như thế.

PV: Vâng! Xin cảm ơn nhạc sĩ Vũ Mạnh Cường! Một lần nữa xin chúc anh năm mới bút lực dồi dào, thành đạt , hạnh phúc và bình an.

 

Bài viết cùng chủ đề