BAN ÂM NHẠC - VOV3
FM 102.7MHz
Chi tiết bài viết
Phạm Thu Hà gặp mảnh hồn của nhạc sĩ Văn Cao khi cô hát “Suối Mơ”
Kỉ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao
Thứ bảy, 11:29, 18/11/2023
Trần Minh Đức
[VOV3] - “Suối Mơ”- Tác phẩm đã được nghệ sĩ piano Bùi Đăng Khánh chuyển soạn thành khí nhạc gây ấn tượng với khán giả theo dõi chương trình.

Ca khúc là một trong những sáng tác trữ tình lãng mạn nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao nói riêng và âm nhạc Việt Nam nói chung. 

Như cuộc viễn du âm nhạc ngược thời gian, Phạm Thu Hà đã hát bằng tình yêu với những người nhạc sĩ có cùng chí hướng trong nghệ thuật. Cái tâm của người làm nghề có lẽ nằm ở đó.

Với nhạc phẩm "Suối Mơ" khán giả được cảm nhận, được mơ trong cõi thực. Một thế giới ngọt ngào yêu thương, lắng đọng trong từng cảm xúc

Điều này đã đẩy cảm xúc khán giả lên đến cao trào, khiến người nghe cảm nhận được giá trị của "SỐNG" và những cung bậc của nó.

Và còn rất nhiều điều có thể nói về tâm hồn đẹp của người nhạc sĩ này. Song hơn hết, ta có thể thấy, những ca khúc của ông có tác động tích cực đến tâm hồn người nghe nhạc. Nghe “Suối Mơ” dù ít hay nhiều, chúng ta đều lắng lại để nghĩ về cuộc đời, về con người và về chính chúng ta.

“Suối Mơ” trong tiếng hát sang trọng và cao vút của Phạm Thu Hà khiến ta chạm vào được thế giới an nhiên nơi tâm mình, mọi ước mơ vẫn còn đó, nhưng không còn làm bạn đau đầu nữa, mọi khát vọng vẫn còn đó nhưng không còn tạo áp lực lên bạn nữa. Bạn vẫn hành động để thực hiện ước mơ, vẫn làm việc để đạt được khát vọng nhưng tất cả đều nằm trong sự bình yên của tâm hồn. Vì thế, dù bạn có thực hiện được ước mơ hay đạt được khát vọng hay không thì trong bạn luôn hiện hữu sự mãn nguyện đủ đầy và hài lòng với mọi thứ ở đời.

Lắng đọng với “Suối Mơ” thần tiên ấy, bên dòng nước trong veo lững lờ soi bóng nắng, nhìn bóng thuỳ dương xanh ngát đôi bờ, nghe tiếng suối róc rách, ngắm hoa trôi lừng hương gió ngát, trông đàn nai đùa trên khóm lá vàng tươi,.. hẳn không thể cưỡng lại ước mơ được sống trong một ngôi nhà bên suối, để tận hưởng dài lâu cảnh sắc thần tiên, thoát tục ấy, để gột rửa mọi ưu tư, phiền muộn và thanh lọc tâm hồn.

“Là một người có nhiều linh cảm và tâm linh tốt. Lần này tôi hát “Suối Mơ” trên Amour resort Ba Vì, tôi cảm nhận rất rõ nhiều điều đặc biệt trên mảnh đất này. 

Tôi thấy nơi đây có nhiều sinh khí, nhất là sinh khí của sự bình yên và tĩnh tại. Thật khó để tìm được một không gian sống hội tụ tinh hoa đất trời như Amour. 

Không chỉ phản ánh đẳng cấp của những nhà kiến tạo, còn cho thấy rõ cái tâm, cái tầm của họ. Tôi cũng cảm được rất rõ các giá trị Ngũ Hành Âm Dương tại mảnh đất “linh khí hội tụ”. 

Lúc Hà chưa hát, trời mưa như trút nước. Khi tôi chuẩn bị hát “Suối Mơ” có một con bướm đen đậu vào tóc tôi lúc tôi ở trong cánh gà. Và tự nhiên trời không còn mưa nữa. Không thể lý giải nổi điều này. Tôi tin là cụ Văn Cao đã về. Cụ thương tôi lắm. Trong chương trình tôi hát 2 bài. Sau “Suối Mơ” là “Trương Chi” . Hát “Trương Chi” tôi xúc động lắm. Hát đúng thân phận của cụ trong tác phẩm ấy. 

Nhắc đến nhạc sĩ Văn Cao thì tôi không chỉ nhớ về một nhạc sĩ tài hoa, mà còn nhớ đến một tâm hồn đẹp. Tâm hồn ấy thể hiện qua những ca khúc đầy triết lý nhưng không hề sáo rỗng hay lên gân, mà là những ca từ dung dị, gần gũi, đầy tình yêu về con người, về cuộc đời. Xin được biết ơn nhạc sĩ Văn Cao. Kỉ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ tôi xin gửi lòng thành kính, một nén tâm nhang từ chương trình nghệ thuật “Suối Mơ” này. 

Ca khúc của cụ có một điểm lạ, là cứ càng nghe càng hay, lần sau nghe lại cảm nhận khác lần trước, khác ở chỗ là ta sẽ nhận ra được những điều mới mẻ mà bằng trải nghiệm bản thân thì ta mới ngộ ra được. 

Hát “Suối Mơ” trên đỉnh núi Ba Vì trong cái se lạnh của gió mùa đông bắc tất cả đã khiến con người cảm thấy thật bé nhỏ giữa thiên nhiên để rồi không thôi khắc khoải với những suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời về nhân sinh, nhất là đối với người nghệ sĩ có trái tim nhạy cảm như thiên tài Văn Cao” ca sĩ Phạm Thu Hà chia sẻ. 

Đêm nhạc “Suối Mơ” đã kết thúc,  trong  tâm tưởng người ở lại Nhạc sĩ Văn Cao luôn tồn tại trong tâm thức. Ông là người tài hoa. Ông viết nhạc, làm thơ, vẽ tranh. Ở mảng nào ông cũng để lại những dấu ấn mà thế hệ mai sau vẫn còn nhắc nhớ, ngưỡng vọng. 

Ở Việt Nam, Văn Cao được đánh giá là nghệ sĩ lớn, có nhiều sáng tạo mang tính đột phá, để lại dấu ấn đa dạng và sâu đậm nhất, có đóng góp rất quan trọng trên nhiều mặt cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà thế kỷ 20. Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao (15/11/1923-15/11/2023), một lần nữa, những đóng góp của nhạc sĩ Văn Cao được ghi nhận và nhiều ký ức về ông được khơi gợi…những khai mở khám phá. Với sức sáng tạo vô bờ và tư tưởng tiên phong, “người đi dọc biển” Văn Cao đã luôn bị hấp dẫn bởi những “lối cát chưa có dấu chân”.

Bài viết cùng chủ đề