BAN ÂM NHẠC - VOV3
FM 102.7MHz
Chi tiết bài viết
Đắm chìm trong không gian âm nhạc bất tận với “Musik aus wien” – Âm nhạc từ Vienna
Musik aus wien
Thứ hai, 00:00, 22/05/2023
Trần Minh Đức & Tú Anh
[VOV3] - Nhạc trưởng Honna Tetsuji cùng Soprano Đào Tố Loan và Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã đưa khán thính giả chạm đến những cảm xúc không giới hạn trong âm nhạc, thông qua hai bản giao hưởng bất hủ của Franz Schubert và Gustav Mahler.

Buổi hoà nhạc đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của những người yêu thích âm nhạc cổ điển, đặc biệt là âm nhạc thời kỳ lãng mạn. Đáp lại sự mong chờ của khán thính giả, chương trình được bắt đầu với sự xuất hiện của nhạc trưởng Honna Tetsuji và dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNSO) được thành lập theo quyết định số 79/ VH-QĐ, ngày 14/6/1984, trực thuộc Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Trong quá trình hình thành và phát triển, VNSO từng bước đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ. Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, dàn nhạc đã nâng cao được chất lượng nghệ thuật biểu diễn, không chỉ được khán giả, giới báo chí, giới phê bình âm nhạc và đồng nghiệp ở Việt Nam đón nhận và đánh giá cao mà còn được ghi nhận tại nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới thông qua các chuyến lưu diễn trong và ngoài nước.

Nhạc trưởng Honna Tetsuji là người điều phối chương trình, hành động cúi đầu và nụ cười hạnh phúc của ông khi bước ra sân khấu như để thể hiện lòng cảm kích đối với sự có mặt của các khán thính giả tại buổi tối hôm nay. Là nhạc trưởng gắn bó sâu sắc với Việt Nam, Honna Tetsuji - một cái tên không còn xa lạ gì với dàn nhạc giao hưởng hoặc các chương trình biểu diễn, hòa nhạc lớn. Ông bắt đầu hợp tác cố vấn cho Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNSO) từ 2001, và trước đó đã có quá trình học tập, biểu diễn và chinh chiến qua nhiều dàn nhạc lớn nhỏ từ châu Âu đến Việt Nam. Honna Tetsuji là Giám đốc Âm nhạc và Chỉ huy chính của VNSO từ năm 2009 tới nay. Ông từng là chỉ huy của Dàn nhạc Giao hưởng Osaka (1995-2001) và là chỉ huy khách mời thường xuyên của Dàn nhạc Nagoya Philharmonic (1997-2000).

Honna Tetsuji cho biết: “Hai bản giao hưởng này là không hề dễ dàng. Chúng tôi đã có rất nhiều buổi diễn tập trước đó. Tôi nghĩ rằng mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp trong buổi tối hôm nay.”

Chương trình bắt đầu với Bản giao hưởng “bỏ dở” D.759 Si thứ của F.Schubert. Sở dĩ, tác phẩm này được gọi là bản giao hưởng “bỏ dở” vì khi được tìm thấy, bản nhạc chỉ có 2 chương, thay vì 3 – 4 chương như thường lệ. Đây được coi là bản giao hưởng đầu tiên của trường phái Lãng mạn bởi tính trữ tình tràn đầy ở giai điệu, sự phong phú trong cách xử lý hòa âm và cách phối khí ưu tiên màu sắc bộ gỗ tạo nên vẻ đẹp thơ mộng.

Bản giao hưởng bất hủ được thể hiện dưới sự chỉ huy đầy tài năng của nhạc trưởng Honna Tetsuji. Chương đầu mở ra với một khởi đầu bí ẩn, trầm ngâm. Chủ đề chính xuất hiện ở giọng chủ Si thứ, là một bản song ca sâu lắng trên oboe và clarinet trong ánh sáng lung linh các nốt móc kép của dàn dây. Chủ đề thứ hai nổi tiếng xuất hiện trên bè cello ở giọng Son trưởng, sau đó được chuyển tiếp cho violin. Âm nhạc bùng nổ với sự cuồng nhiệt bất ngờ, và những gì tưởng như là một bản giao hưởng “trữ tình” bỗng trở nên rất kịch tính. Chương nhạc khép lại với phần coda được dựa trên phần âm trầm. Mạnh mẽ, trữ tình, kịch tính, đẹp đẽ – và hoàn toàn độc đáo. Chương II cũng có tốc độ vừa phải, gồm hai chủ đề tương phản nhau. Chủ đề thứ nhất mở đầu ngọt ngào trên bè violin. Nhưng bầu không khí du dương này nhanh chóng bị chủ đề thứ hai che khuất, được bắt đầu bằng tiếng clarinet độc tấu hùng hồn bay cao lướt qua lướt qua các hợp âm chuyển dịch đảo phách, chuyển sang giọng Đô thăng thứ. Cũng giống như chương I, ở đây cũng là sự kết hợp của sự mạnh mẽ đầy kịch tính với chất trữ tình ám ảnh nhất. Hai chủ đề được trình bày trong cấu trúc sonatina với phần phát triển rất ngắn gọn, hầu như không thể nhận ra, sau đó kết thúc bằng một coda dài, bi tráng và kịch tính. Âm nhạc gần như tĩnh lặng hoàn toàn, khán thính giả được hoà mình với sự thăng hoa của cảm xúc.

Sau khoảng 30 phút trong chuyến du ngoạn đến âm nhạc của trường phái lãng mạn, dàn nhạc tiếp tục đưa khán thính giả chạm đến những thanh âm đỉnh cao và cảm xúc không biên giới với Bản giao hưởng số 4 Sol trưởng. Bản giao hưởng của Gustav Mahler được trình diễn một cách vô cùng xuất sắc, với sự chuyên nghiệp của nhạc trưởng Honna Tetsuji và những nhiệt huyết được biểu hiện trên gương mặt của dàn nhạc công thuộc Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Cây đũa thần của nhạc trưởng đã dẫn dắt cảm xúc khán thính giả, cho phép người xem được chứng kiến màn kết hợp hài hoà của bữa tiệc âm nhạc. Đặc biệt, bản nhạc còn có sự góp mặt của soprano Đào Tố Loan ở chương cuối. Cuộc phiêu lưu thứ hai này bao gồm 4 chương, các chương được liên kết với nhau rất chặt chẽ. Bản giao hưởng số 4 Sol trưởng của Gustav Mahler được sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 1899 đến năm 1900. Khi ra mắt từ những năm đầu tiên, tác phẩm không được công chúng hưởng ứng ngay, mà phải qua nhiều lần chỉnh sửa mới được công nhận.

Những giai điệu tuyệt vời ở 3 chương đầu tác phẩm đã mở ra cánh cổng thiên đường của chương cuối và giọng hát của soprano Đào Tố Loan là phần kết thúc chương trình. Đào Tố Loan là một giọng nữ cao đa năng, người biểu diễn nhạc cổ điển phương Tây, nhạc truyền thống và các ca khúc tại Việt Nam và quốc tế. Tố Loan đã học hát từ năm 2006 và đã được trao bằng Cử nhân Âm nhạc chuyên ngành về biểu diễn của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm 2014. Loan theo học PGS Trần Thị Ngọc Lan (Hà Nội) và còn học hỏi thêm rất nhiều Giáo Sư từ các nước như Siri Tojeson (Nauy), Elena Pankratova (Áo), Giáo Sư Michel (Canada)..v..v. Loan tốt nghiệp Cao Học chuyên ngành biểu diễn Thanh nhạc năm 2016.

Tố Loan chia sẻ: “Đây là một chương nhạc thách thức đối với nghệ sĩ, hát Mahler thì chưa bao giờ là dễ cả. Khi tập luyện những buổi đầu tiên, Tố Loan đã gặp phải những lỗi sai nhưng sau khi làm việc với người chỉ huy rất tuyệt vời – bác Honna, bác đã chỉnh sửa và giúp đỡ Tố Loan. Đến buổi tối hôm nay thì Tố Loan rất tự tin để thể hiện cho quý vị khán giả cùng thưởng thức.”

Khi những thanh âm cuối cùng của bản nhạc kết thúc, Đào Tố Loan nghiêng mình thay cho lời chào tạm biệt với khán giả. Những tràng pháo tay kéo dài không dứt ở phía dưới sân khấu và những bó hoa tươi đẹp là lời cảm ơn chân thành, lời cảm ơn của những trái tim yêu mến âm nhạc cổ điển dành cho nhạc trưởng, nhạc công và ca sĩ của đêm diễn. Những người nghệ sĩ tuyệt vời đã đem đến cho khán giả buổi tối đầy thú vị và tinh thần âm nhạc bất tận. Nhạc trưởng và soprano đã dành cho nhau những cái ôm ấm áp, đó là tình cảm tuyệt vời của những con người luôn cống hiến vì âm nhạc, của những trái tim luôn rung lên theo từng nốt nhạc. Tiếng vỗ tay chỉ dừng lại khi các nhạc công đã lần lượt đứng dậy vẫy chào khán giả. Ánh đèn phòng bật sáng cũng như nhắn gửi thông điệp: mọi thử thách sẽ qua và niềm hạnh phúc sẽ xuất hiện ở chương kế tiếp của cuộc sống.

Bài viết cùng chủ đề