BAN ÂM NHẠC - VOV3
FM 102.7MHz
“Tự khúc Hà Nội” - Thơ nhờ có nhạc mà có thể cất thành lời bay bổng diệu kỳ.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Yến Đài Tiếng Nói Việt Nam
Chủ nhật, 01:54, 12/06/2022
Xuân Kỳ
[VOV3] - “Một buổi tối, đang làm việc, chợt thấy avatar của một cụ tóc dài, như xao xác trắng màu sương gió, cười tươi như chẳng cần biết đến thăng trầm của cuộc đời xuất hiện. Hình ảnh ấy làm tôi bất ngờ và tò mò. Trong sự ngạc nhiên của tôi, “lão nhạc sỹ” Lê Trung Tín mong muốn phổ nhạc bài thơ về Hà Nội" Tự khúc Hà Nội" của tôi.
PV TU KHUC HA NOI - NB HOANG YEN VOV
PV TU KHUC HA NOI - NB HOANG YEN VOV

NGƯỜI VIẾT NHẬT KÝ BẰNG THƠ

     PV: Xin gửi lời cám ơn tới nhà báo,nhà thơ Nguyễn Hoàng Yến về cuộc trò chuyện này, chị có thể cho biết hoàn cảnh ra đời của bài thơ?

     NB NHY: Vâng! Xin cảm ơn VOV3. Bài thơ Tự khúc Hà Nội này được viết vào ngày mùng 1/3 âm lịch. Hôm đó, đúng vào hôm gió mùa về, đêm mưa và sáng, da trời rất là đẹp, hơi se se lạnh, mát mẻ dễ chịu, phải nói là quá tuyệt vời. Và như một cách viết nhật ký cho mình, tôi đã viết “Tự khúc Hà Nội”.

     PV: Nhà báo Hoàng Yến đến với thơ thế nào?

     NB NHY:Thơ với mình là sự ghi chép lại tất cả những cái gì mình cảm nhận được, quan sát được trong cuộc sống hàng ngày. Gần như là mỗi ngày vào các buổi tối , đều dành ra khoảng 15 phút để tĩnh lại và nhớ lại những gì mình có thể cảm nhận được. Cái gì mình thấy hay thì tự nhiên, nó ào đến, tức là phải ghi chép lại, không thì quên mất.  Thói quen này có từ nhỏ, khi còn đi học, rồi bẵng đi một thời gian dài, cứ bận rộn quên đi mất. Đến một ngày chợt nhận ra là mình không thể thế này được, phải  tĩnh lại và cảm nhận , đó là thơ, là hạnh phúc.

     PV: Có dịp vào blog của Hoàng Yến: www.thoquan.com.vn. Thấy những bài thơ của Hoàng Yến rất cảm xúc , nhận được nhiều sự yêu thích của độc giả. Và tôi chợt băn khoăn nghĩ một điều tại sao Hoàng Yến không đi theo con đường thơ ca mà lại vào Đài Tiếng nói Việt Nam?

     NV NHY: Tốt nghiệp cấp ba là đi học ngoại ngữ, suốt cả quá trình đi học không liên quan gì đến thơ cả. Học ở khoa tiếng Anh và sau khi tốt nghiệp thì ở lại trường dạy hai năm, sau đó bén duyên với truyền hình, từ truyền hình là về VTC và sau đó thì về VOV tới bây giờ. Đến khi vào VOV phát hiện ra ở đây có quá nhiều nhân tài, rất nhiều nhạc sĩ, rất nhiều văn nghệ sĩ mà toàn là những người rất giản dị những con người sâu sắc và tài hoa. Thật sự, đây là một môi trường mình rất là ngưỡng mộ.

     PV: Vâng, chúng ta tự hào về VOV có nhiều tài năng . Và cũng như nhà báo Hoàng Yến, không ai nghĩ lại làm thơ hay, cảm xúc như thế?

     NB NHY: Trước đây tôi xấu hổ vì thường bị mọi người nói đùa là nhặt lá, đá ống bơ, thế là phải giấu nhẹm. Đến một ngày nó lộ ra thì thôi, không thể giấu được nữa, nên chấp nhận nhặt lá luôn (cười)

     PV: Bây giờ Hoàng Yến có thấy tiếc không? Nếu không giấu thơ, biết đâu bây giờ mình đã thành một nhà thơ rất nổi tiếng?

     NB NHY: Chắc là cũng không thể tiếc được, cái gì nó đến thì nó đến và có những cái mối duyên là ở trong đó. Khi nào thì nó đến, sẽ đến, lúc nó đến thì có lẽ tránh không được nữa.

MỐI LƯƠNG DUYÊN THƠ NHẠC

     PV: Nhà báo Hoàng Yến vừa nói về mối duyên. Vậy với “Tự khúc Hà Nội” thì mối duyên để bài thơ gặp với tác giả sáng tác nhạc như thế nào?

 

Nhạc sĩ Lê Trung Tín: "Tôi gặp bài thơ Tự khúc Hà Nội này đăng trên Facebook của Nguyễn Hoàng Yến, tôi tìm thấy được sự mộc mạc, giản dị và tình cảm chân thành của Nguyễn Hoàng Yến đối với Hà Nội. Vì thế, tôi đã quyết định phủ nhạc bài thơ “Tự khúc Hà Nội” này của Nguyễn Hoàng Yến. Khi phổ nhạc bài thơ có bốn khổ, tôi đã lấy hết cả bốn khổ thơ của Nguyễn Hoàng Yến vì nghĩ nếu cắt bỏ một trong bốn khổ thơ đó thì bài thơ và bản nhạc sẽ không còn hay nữa. Đó là ý nghĩa cảm nhận riêng của tôi."

   NB NHY: Đó là một cái buổi tối cũng khá là muộn, chắc phải tầm 10h tối rồi. Lúc đấy đang ngồi máy tính, thấy tiếng chuông báo tin nhắn, tôi giật mình mở ra , trước mắt avarta là một ông lão tóc xõa dài bạc phơ và đang cười rất là tươi, như không biết đến thăng trầm của cuộc đời thế nào. Ngạc nhiên, bất ngờ và thú thật là cũng hơi choáng vì chưa bao giờ gặp người như thế. Ngay sau đó là lời xin phép được phổ nhạc bài thơ về Hà Nội, kèm theo một loạt linh các tác phẩm của nhạc sĩ. Hình ảnh của nhạc sĩ thực sự khiến tôi liên tưởng tới một lão nghệ sĩ lãng đãng say trên hương tửu mà phiêu cùng trăng gió. Trông phong độ, phong cách và tôi cũng xin phép được gọi là cụ như một thói quen tôi dành để gọi những người mà tôi quý mến.  Sự hồ hởi, vồn vã, nhiệt huyết của nhạc sĩ khiến tôi tò mò và tôi đã nghe các link bài hát của cụ, đây là một phong cách nhạc rất đặc biệt. Tôi cảm nhận được như thế chỉ là cảm nhận thôi. Bởi vì thực ra tôi không có kiến thức về âm nhạc

     PV: Người ta thường nói là âm nhạc thì chắp cánh cho thơ bay xa. Vậy nhà báo Hoàng Yến thấy bài thơ của mình qua âm nhạc nó như thế nào?

     NB NHY: Ở bài thơ này, tôi đã gửi vào đó nỗi nhớ thương của một người tỉnh xa, một chàng trai Hà Nội. Với anh ấy, Hà Nội là người con gái dấu yêu đã xa rồi, chỉ còn trong hoài niệm, có lúc rất gần và có lúc muốn chạm vào, nhưng chẳng thể nào mà chạm được. Một Hà Nội trong sáng, rất lạ, rất thân quen với những nét đặc trưng mà chỉ người Hà Nội mới cảm nhận được. Bởi vì bản thân tôi cũng mấy chục năm sống ở Hà Nội rồi tôi mới có thể quan sát và ghi nhận lại được như thế. Hoàng Yến thấy nhạc sĩ Lê Trung Tín đã truyền tải được tình cảm ấy vào trong âm nhạc.Cảm nhận được tâm huyết, là tấm chân tình, đau đáu hướng về Hà Nội của nhạc sĩ Lê Trung Tín. Nó dồn nén cảm xúc dâng trào, hoài niệm lâng lâng và có những lúc rất bay bổng, rất trong sáng.

        PV: Với nhạc sĩ Lê Trung Tín, hiện nay ông đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh , là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam và là hội viên Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng nhạc sĩ Lê Trung Tín thì gốc ở Hà Nội. Chính vì thế không khó để lý giải cảm xúc sáng tác khi bắt gặp hình ảnh một bài thơ về Hà Nội của một người con gái ở Hà Nội. Hoàng Yến thấy giai điệu bài hát “Tự khúc Hà Nội” thế nào?

Nhạc sĩ Lê Trung Tín: "Tôi theo đuổi dòng nhạc antonal, (tức là không theo điệu thức, giai điệu hoặc thang âm nào nhất định mà viết theo cảm xúc tùy hứng) nhạc thính phòng kết hợp với nhạc nhẹ. Cho nên tôi cố gắng sử dụng những chất liệu, giai điệu mượt mà, trau chuốt nhất có thể để diễn tả và truyền tải hết được từ ngữ, ý nghĩa và nội dung của bài thơ “Tự khúc Hà Nội” của nhà thơ Nguyễn Hoàng Yến. Tôi rất vui và rất thích bài hát Tự khúc Hà Nội sau khi đã được nhạc sĩ Quang Phúc và Âm phối khí và ca sĩ Uyên Duy thể hiện."

     NB NHY: Giai điệu tình cảm, da diết, hoài niệm và mình nghĩ thế này không biết có đúng không? Mình thấy hình như là hơi pha một chút màu sắc của nhạc tiền chiến. Khi mà nghe bản nhạc này thì thật sự là Yến thấy rất là ngạc nhiên. Một giọng hát đẹp, trong sáng và trong bài hát không nhắc gì đến một địa danh nào của Hà Nội, không nhắc tới hoa sữa, không nhắc tới Hồ Tây, Hồ Gươm, không nhắc tới một con phố cổ nào cả. Nhưng giai điệu âm nhạc và giọng hát của ca sĩ Uyên Duy lại cho thấy một Hà Nội rất lãng mạn, hoài niệm.

     PV: Và ở góc độ là một nhà báo, nhà thơ, chị thấy việc thơ và nhạc nâng cánh cho  nhau như thế nào?

     NB NHY: Đó là một cái duyên, giống như khi nhạc sĩ Lê Trung Tín phổ nhạc bài “Tự khúc Hà Nội”. Hoàng Yến có hỏi là tại sao nhạc sĩ lại chọn bài này, nhạc sĩ nói là đó là một cái duyên, rất là tình cờ mà không phải là với một bài thơ nào người ta cũng dễ dàng đâu. Và Yến cũng nghĩ rằng là một bài thơ phải có nhạc, phải có một tình cảm nào đó mà người nhạc sĩ có thể nắm được, cảm nhận được, thẩm thấu được thì từ đó mới có thể phổ nhạc được. Nhạc đã chắp cánh cho thơ nhờ có nhạc mà có thể cất thành lời bay bổng diệu kỳ.

     PV: Xin cảm ơn nhà báo Hoàng Yến, cảm ơn nhạc sĩ Lê Trung Tín với món quà ý nghĩa này và xin chúc cho mối lương duyên thơ nhạc của hai tác giả ngày càng gắn bó khăng khít.

     NB NHY: Tôi cũng xin một lần nữa được cảm ơn nhạc sĩ Lê Trung Tín đã dành tâm huyết để sáng tác ca khúc trong một thời gian rất ngắn, nhưng đã truyền tải đầy đủ tình cảm cùng một tâm hồn gốc Hà Nội đau đáu hướng về quê hương . Cảm ơn nhạc sĩ Quang Phúc đã hòa âm , phối khi và ca sĩ Uyên Di đã hát rất hay ca khúc này.

     Xin cảm ơn Nhà báo Nguyễn Hoàng Yến!

 

Bài viết cùng chủ đề