Thùy Dương-Cô giáo, nhạc sĩ trẻ yêu nghề, giàu lòng thiện nguyện
[VOV3] - Không chỉ giỏi về chuyên môn, cô giáo, nhạc sĩ trẻ Thùy Dương còn được biết đến với các ca khúc cho thiếu nhi và say mê làm từ thiện.

Cô giáo- Nhạc sĩ trẻ Thùy Dương không chỉ là tác giả của các ca khúc cho thiếu nhi như: “Tình cô và tình mẹ”, “Mặt trời của mẹ”, “Trăng ơi”, “Em hát lời yêu”, đoạt giải Tư trong cuộc thi “Sáng tác ca khúc về Công đoàn Giáo dục Việt Nam" và giải Nhì cuộc thi “Tiếng hát giáo viên và học sinh TP. Hà nội” mà còn là người giàu lòng thiện nguyện. 

PV: Xin chào cô giáo, nhạc sĩ trẻ Thùy Dương. Điều gì đã khiến Thùy Dương theo đuổi sự nghiệp sáng tác ca khúc cho tuổi thơ ?.

Thùy Dương: Điều mà khiến Thùy Dương theo đuổi sự nghiệp sáng tác ca khúc cho tuổi thơ chính là: công việc của Thùy Dương luôn gắn bó với các em học sinh. Trong quá trình dạy học, những nụ cười ánh mắt hồn nhiên của trẻ thơ đã thôi thúc Thùy Dương viết lên những ca khúc dành tặng cho các em. Bản thân Thùy Dương cũng học hỏi nhiều ở thầy giáo của mình, đó là thầy giáo, nhạc sĩ Lê Minh. Thầy cũng có lời khuyên Thùy Dương nên dành thời gian sáng tác cho trẻ thơ và đó là một ưu thế. Bởi vì, Thùy Dương là giáo viên và đang công tác ở một trường tiểu học.

PV: Là giáo viên dạy giỏi của trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Thùy Dương có thể chia sẻ việc dạy học có ảnh hưởng thế nào đến các sáng tác ca khúc cho thiếu nhi của mình ?.

Thùy Dương: Việc dạy học của Thùy Dương đã có ảnh hưởng rất lớn đến việc sáng tác ca khúc cho thiếu nhi. Bởi vì, trong quá trình giảng dạy học sinh, Thùy Dương đã có những xúc cảm sáng tác ca khúc dành tặng cho các con. Và, nó thôi thúc Thùy Dương viết nhiều ca khúc cho thiếu nhi.

PV: Để có một ca khúc phù hợp với thiếu nhi và được các em ca hát, theo Thùy Dương cần có những yếu tố nào ?.

Thùy Dương: Theo Thùy Dương thì: Để có một ca khúc phù hợp với thiếu nhi, được các em nhỏ yêu thích, cần những yếu tố: Thứ nhất là phải giàu cảm xúc. Thứ hai, nó phải phù hợp với tâm hồn của trẻ thơ, phù hợp với tâm sinh lý của các em. Và qua bài hát ấy phải mang tính giáo dục các em. Có thể là giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu cha, yêu mẹ, yêu thầy cô giáo, yêu bạn bè. Ngoài ra, việc sáng tác ca khúc cho thiếu nhi cũng phải dễ thuộc, không cần khúc thức quá cầu kỳ và nên dùng những lời ca đơn giản, dễ hiểu để các em có thể cảm nhận được, dễ thuộc và dễ hát.

PV: Thùy Dương đã đoạt giải 4 trong cuộc thi “Sáng tác ca khúc về Công đoàn Giáo dục Việt Nam ". Ấn tượng của chị về cuộc thi này là gì ?.

Thùy Dương: Cuộc thi: "Sáng tác ca khúc về Công đoàn Giáo dục Việt Nam " đã tạo động lực cho các nhạc sĩ sáng tác các ca khúc ca ngợi các nét đẹp của nghề nhà giáo, những cống hiến thầm lặng của người làm công tác giáo dục và các cán bộ công đoàn trên khắp mọi miền Tổ quốc. Qua đó, giúp các thầy, cô giáo thêm yêu nghề, mong muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cuộc thi còn làm giàu thêm kho tàng các ca khúc về ngành giáo dục, tôn vinh những công việc thầm lặng của các cán bộ Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

PV: Điều gì Thùy Dương cảm thấy yêu thích khi sáng tác ca khúc cho tuổi thơ ?.

Thùy Dương: Điều mà Thùy Dương cảm thấy yêu thích khi sáng tác ca khúc cho tuổi thơ là: Những bài hát Thùy Dương viết ra được các em học sinh đón nhận. Và những bài hát Thùy Dương viết có ưu thế là: Bản thân đang dạy em học sinh ở trường Tiểu học. Bởi vậy, những sáng tác của mình sau khi được viết xong đem đi hòa âm, phối khí sẽ hướng dẫn học sinh học hát. Và khi nhìn học sinh yêu thích, biểu diễn một cách hồn nhiên các bài hát của mình, đặc biệt là khi đi quay truyền hình, Thùy Dương cảm thấy rất là vui, xúc động.

PV: Ngoài công việc giảng dạy, sáng tác ca khúc thiếu nhi, Thùy Dương còn có giọng hát tốt và đã đoạt giải nhì cuộc thi “Tiếng hát giáo viên và học sinh TP. Hà nội”. Ca hát có tác động thế nào đến việc sáng tác và thể hiện các ca khúc thiếu nhi của mình ?.

Thùy Dương: Thùy Dương nghĩ rằng: Ca hát có một ý nghĩa rất là quan trọng trong việc sáng tác và thể hiện các ca khúc thiếu nhi của Thùy Dương. Bởi vì, các nhạc sĩ khi viết lên các bài hát mà lại tự mình thể hiện được tác phẩm, cảm xúc của các ca khúc đó thì sẽ dễ dàng chuyển tải cũng như giảng dạy và hướng dẫn các em thể hiện được nội dung bài hát theo ý tưởng của chính mình.

PV: Bên cạnh sự nghiệp dạy học và sáng tác âm nhạc, Thùy Dương còn biết đến với các hoạt động từ thiện. Chị đã sắp xếp công việc thế nào để có thời gian làm công việc này ?.

Thùy Dương: Công việc từ thiện thì Thùy Dương đã làm từ rất lâu rồi. Cho đến nay, Thùy Dương đã làm các công tác từ thiện được khoảng 15 năm. Và Thùy Dương nghĩ rằng: Công việc từ thiện không cần phải có nhiều điều kiện kinh tế, phải thật giàu thì mới có thể làm được, mà công việc từ thiện xuất phát từ tâm của mỗi con người. Đó là tình yêu thương và sự sẻ chia. Mình có điều kiện kinh tế và khả năng của mình đến đâu thì chia sẻ đến đó.

Và việc làm từ thiện của Thùy Dương thì cũng không qui định bắt buộc vào một khoảng thời gian nhất định nào. Khi nào có thời gian, mình có thể làm và khi nào gặp những hoàn cảnh khó khăn ở bất kỳ đâu, có thể sẻ chia. Thùy Dương nghĩ rằng: Việc làm từ thiện cũng không hẳn chỉ là vật chất mà quan trọng nhất là tinh thần, tình cảm dành cho mọi người.

PV: Thùy Dương có thể chia sẻ một kỷ niệm nào cảm thấy khó quên trong hoạt động âm nhạc và từ thiện của mình ?.

Thùy Dương: Nói về những kỷ niệm của Thùy Dương trong quá trình hoạt động âm nhạc cũng như làm công tác từ thiện thì có rất nhiều. Tuy nhiên, có hai kỷ niệm mà Thùy Dương nhớ nhất, đó là: Vừa rồi, Thùy Dương đi dạy học về muộn. Hôm đó, trời nhá nhem tối, Thùy Dương có gặp một cụ ông khoảng chừng 75 đến 80 tuổi đi về. Lúc đó, trời đã muộn rồi, ông cụ đi xe đạp rất là cũ, chở một thanh gỗ. Và khi đi được một đoạn rất ngắn thôi, ông bị ngã và Thùy Dương có đến bên cạnh đỡ ông dậy. 

Qua quá trình hỏi thăm, Thùy Dương cũng biết hoàn cảnh của ông cũng rất là đáng thương. Ông đã nuôi vợ ốm nhiều năm và bản thân cũng có mấy người con, nhưng toàn là những người có sức khỏe không được tốt, bị bệnh tật, ăn nằm tại chỗ. Chính vì thế, Thùy Dương rất thương và muốn giúp đỡ ông. Tuy nhiên, trong túi hôm đó chỉ còn có 100.000 đồng thôi, Thùy Dương đã gửi biếu ông.

Và tối hôm đó cũng rất là sơ xuất, Thùy Dương không mang điện thoại theo do về muộn quá, nên sau khi đỡ dậy xong, ông cũng chào và đi luôn. Do đó, Thùy Dương cũng chưa kịp xin số điện thoại. Và đó là điều mà Thùy Dương luôn ghi nhớ, hình dung ra hình ảnh của ông lão tuổi cao, sức yếu, tầm tuổi của bố mình rất đáng thương, tất bật lo cho vợ, con. Cho nên, Thùy Dương thực sự là xúc động.

Một kỷ niệm khó quên đối với học sinh của Thủy Dương là: Thùy Dương dạy rất nhiều lứa học sinh và các em nhỏ sống rất là tình cảm. Các em đã rất hồn nhiên: "Yêu nói là yêu", "Ghét nói là ghét", quý cô, hay để ý cô từ những điều nhỏ nhặt nhất. Và những lời nói của các em cũng vậy rất hồn nhiên, mộc mạc "Con yêu cô lắm" hoặc là "Cô ơi, hôm nay cô xinh thế", "Hôm nay, cô mặc bộ quần áo đẹp thế" nên Thùy Dương cảm thấy rất gần gũi và yêu các em nhỏ. 

Trong quá trình dạy học, Thùy Dương nhớ nhất là: Một bạn học sinh lớp một bị bệnh tự kỷ. Tuy nhiên, khi học thanh nhạc, Thùy Dương nhận thấy rằng: Em rất có năng khiếu nên không ngừng động viên, khen ngợi. Chính vì thế mà em đó hát ngày càng tiến bộ. Và Thùy Dương rất là vui khi mẹ của em đã gửi những video và nói rằng: “Rất là cảm ơn cô đã chuyền động lực cho cháu yêu thích những bài hát tuổi thơ”. Mặc dù, trong khi học, em có thể hát ngọng hoặc cũng có khi nhầm một vài từ. Nhưng, với một học sinh tự kỷ, yêu thích âm nhạc, luôn lễ phép, quý cô, yêu những bài hát mà cô dạy, hào hứng học tập trong những tiết âm nhạc là kỷ niệm đẹp, niềm vui của người giáo viên.

PV: Thùy Dương có thể chia sẻ về kế hoach sắp tới của mình ?.

Thùy Dương: Thời gian sắp tới, Thùy Dương cũng đặt ra nhiều kế hoạch. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh rất nguy hiểm, ngày càng lan rộng hiện nay, Thùy Dương cũng chỉ đặt ra những kế hoạch của mình thôi. Và cũng hy vọng là: Dịch bệnh sớm qua đi để Thùy Dương có thể thực hiện được những kế hoạch trong công việc. 

Thùy Dương muốn tổ chức một đêm nhạc bao gồm những ca khúc mà Thùy Dương đã sáng tác, gồm cả những ca khúc người lớn và ca khúc của thiếu nhi. Trong đó, Thùy Dương rất mong muốn chương trình sẽ mở màn và kết thúc với những tiết mục tốp ca do các em học sinh của mình biểu diễn. Thùy Dương còn có một kế hoạch nữa là sẽ chú tâm hơn vào mảng sáng tác ca khúc thiếu nhi. Bởi vì, Thùy Dương nghĩ rằng: Quá trình giảng dạy, làm việc, tiếp xúc với các em học sinh đã tạo Thùy Dương rất nhiều cảm xúc.

Bên cạnh đó, khi đọc những quyển sách giáo khoa, ví dụ như: sách tiếng Việt, Thùy Dương thấy có rất nhiều bài thơ hay để cho mình đọc và là tư liệu sáng tác những bài hát cho các em. Bởi vì, trong quá trình học, các em có thể hát luôn các bài thơ. Đó là một điều rất hay và chắc chắn học sinh sẽ thuộc và yêu thích những bài thơ của các tác giả thông qua việc  phổ nhạc vào các bài thơ đó.

PV: Cảm ơn cô giáo- nhạc sĩ trẻ Thùy Dương./.