Hát ru em- Bài học đạo lý đầu đời, dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ
[VOV3] - Hát ru em là những bài hát du dương, nhịp điệu đưa nôi, quen thuộc với thiếu nhi Việt Nam. Đây cũng là những bài học đạo lý đầu đời cho các em để sau này trở thành con ngoan, trò giỏi và người công dân có ích cho xã hội.

Trong kho tàng dân ca Việt nam, hát ru em là những bài hát phổ biến và có tính thực hành xã hội cao, là cách mà người chị dùng để đưa bé em vào giấc ngủ ngon lành. Với trẻ thơ, tiếng ru “à ơi”, “ầu ơ” chứa chan tình cảm của người chị dường như là một phần không thể thiếu được trong cuộc sống và là nguồn sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người. Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, nhạc sĩ Hoành Loan cho biết về vai trò của hát ru nói chung trong việc giáo dục nhân cách của trẻ thơ: “Hát ru lan tỏa trong không gian gia đình và giáo dục, dạy dỗ nhiều thế hệ anh, em trong gia đình ấy bằng những câu hát ru. Và nó mang nhiều đạo lý, lẽ sống của con người ở đời. Thành ra, hát ru không chỉ có tác dụng ru trẻ nhỏ ngủ mà còn đóng vai trò quan trọng trong giáo dục trẻ nhỏ và cộng đồng”.

“Này em bé nhỏ yêu ơi

Em ngủ ngon lành cho mẹ làm nương

Mẹ cha khó nhọc sớm chiều

Để trồng khoai sắn đầy nương

Ngủ ngoan bé nhỏ yêu ơi

Để hạt lúa đêm chắc hạt đầy đồng

Ngày mai em được lớn khôn

Mặt trời sáng soi suốt cả đời em.”

(Ru em-Dân ca Thái Nghệ An)

 

 

Cũng giống như nhiều loại hình dân ca ở Việt Nam, hát ru em sử dụng điệu thức âm nhạc dân tộc và thể thơ 6/8 độc đáo, phổ biến của Việt Nam. Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, nhạc sĩ Hoành Loan chia sẻ tiếp về vai trò của hát ru trong việc dạy các em thể thơ 6/8 và âm nhạc Việt Nam: “Trẻ nhỏ bắt đầu tiếp thu nền thơ ca 6/8 của Việt Nam bằng nhịp điệu hát ru. Điều này rất là quan trọng. Bởi, nó thấm được 2 điều rất là bản sắc Việt nam, đó là: Âm nhạc Việt Nam và lời thơ 6/8. Thế cho nên thủa xưa, các thiếu nữ lớn lên không có người nào là không bẻ được câu thơ 6/8. Và họ hát ví, đối đáp giao duyên cũng bằng thơ 6/8. Thành thử, hát ru với trẻ em có vai trò vô cùng quan trọng.”

“Con vạc bán ruộng cho ai

Cho nên vạc phải ăn mò cả đêm

Vạc sao vạc chẳng biết lo

Bán rộng cho cò, vạc phải ăn đêm”

(Trích điệu Ru em- Dân ca đồng bằng sông Hồng)

Trong gia đình, cứ mỗi khi cha mẹ đi làm vắng nhà, công việc ru em ngủ lại được giao cho các chị đảm nhiệm. Từ tình thương yêu em hết mực, người chị đã hát lên các giai điệu hát “ru em” chứa chan tình cảm để đưa bé em vào giấc ngủ ngon lành. Hát ru em không chỉ có tính thực hành xã hội cao mà còn có số lượng làn điệu rất phong phú và mỗi dân tộc lại có những bài hát ru em riêng của dân tộc mình như: các bài “Hát ru em” dân ca Mông, “Ru em” dân ca Lự, “Ru em” và “Ngủ đi em” dân ca Thái, “Ru em” dân ca Rắclay, “Ru em” dân ca Xê Đăng, “Ru em ngủ” dân ca S’ra v.v...

“Em ơi em ngủ cho ngoan
Để mẹ đi chặt cây chuối nơi xa
Em nằm ngủ cho ngoan
Ngoài rừng xa cha đang đi hái măng non
Nín đi, hỡi em ơi
Em ngủ, đừng khóc em
Ngoài rừng xa, cha đang đi hái măng non
Nín đi, hỡi em ơi
Ngủ ngoan ơi em ơi
Nơi xa, mẹ tìm được nhiều ngọn rau non
Đừng khóc nữa em ơi”

(Ru em-Dân ca Xê Đăng)

Có thể nói, trong cuộc đời của mỗi con người, ký ức về tuổi thơ, đặc biệt là các câu hát ru em của người chị không chỉ là ấn tượng khó quên, dòng sữa tinh thần ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn, tình yêu quê hương, đất  nước mà còn là bài học đạo lý đầu đời, hành trang không thể thiếu được của chúng ta trên mỗi chặng đường đời ./.