BAN ÂM NHẠC - VOV3
FM 102.7MHz
Chi tiết bài viết
MÙA XUÂN THĂM LẠI ĐIỆN BIÊN
Âm nhạc với Cuộc sống
Thứ ba, 22:37, 09/04/2024
Xuân Kỳ
[VOV3] - Một tác phẩm âm nhạc mới của nhạc sĩ Lã Văn Khoa , hội viên hội Âm nhạc Hà Nội mới ra mắt công chúng yêu nhạc. Tác phẩm có thời gian hoàn thiện tới hơn 10 năm mang theo những cảm xúc , sự tự hào của nhạc sĩ với hình ảnh một Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và một Điện Biên đang phát triển từng ngày từng giờ. Ấn Play để nghe
V3 TRÒ CHUYỆN VỚI NHẠC SĨ LÃ VĂN KHOA
V3 TRÒ CHUYỆN VỚI NHẠC SĨ LÃ VĂN KHOA
V3 MÙA XUÂN THĂM LẠI ĐIỆN BIÊN - HỢP CA
V3 MÙA XUÂN THĂM LẠI ĐIỆN BIÊN - HỢP CA

PV: Với hợp xướng “Mùa xuân thăm lại Điện Biên” từ cảm xúc nào, hoàn cảnh nào để ông viết tác phẩm này?

NS Lã Văn Khoa: Thực ra, Điện Biên đã đi vào thơ ca như 1 tượng đài “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.  Đã có rất nhiều các tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung và các tác phẩm âm nhạc nói riêng ngợi ca chiến thắng đó, tôi cũng không dám kỳ vọng nhiều. Trong một lần sau khi xem phóng sự của VTV về Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm lại Điện Biên, dựa trên ý tưởng đó tôi muốn viết một ca khúc về Điện Biên với góc độ là mình thăm lại cái nơi ngày xưa đã xảy ra chiến thắng đó. Ở đó, bây giờ đã trở thành thành phố vươn dài rộng với lịch sử của đất nước. Thành ra tôi viết,  và phải nói là rất lâu và rất vất vả để hoàn thành tác phẩm này.

PV: Mất khoảng bao nhiêu lâu để nhạc sĩ sáng tác xong tác phẩm này ?

NS Lã Văn Khoa: Phải vài năm sau đấy tôi cứ chỉnh đi, chỉnh lại, và tầm chục năm tôi mới hoàn thành xong tác phẩm này, với sự tiếp sức, giúp đỡ, cộng hưởng rất nhiều của cố nhạc sĩ Duy Quang. Cho nên là tác phẩm được vang lên hoàn chỉnh, tức là thời gian sáng tác thì vài năm và đến thời gian mà tác phẩm trở thành một sản phẩm âm nhạc thế này thì chục năm, hơn chục năm.

PV: Vâng! Cụ thể từ năm bao nhiêu, thưa nhạc sĩ?

NS Lã Văn Khoa: Chắc là từ năm kỉ niệm 60 năm Điện Biên đến bây giờ là kỷ niệm 70 năm. Đó là hơn 10 năm cộng cả thời gian sáng tác .  Với tôi thì trên sóng VOV tôi xem đây là được vang lên một cách danh chính, ngôn thuận.

PV: Tại sao nhạc sĩ lại chọn thể loại hợp xướng để viết mà không phải là ca khúc?

NS Lã Văn Khoa: Thực ra nếu như gọi là chọn thì tôi cũng không dám nghĩ đến việc đó, đẳng thẳng ra nó  rất là lớn so với sức của tôi. Thế nhưng mà trên nền tảng của một ca khúc tôi viết, rồi được sự giúp đỡ của cố nhạc sĩ Duy Quang, nó hình thành dần và rồi trở thành hợp xướng. Ví dụ lúc ban đầu tôi viết chỉ được hai phần thôi, nhạc sĩ Duy Quang động viên để cho nó trở thành một hợp xướng lớn. Thế và cũng vài năm sau tôi mới viết được thêm phần tiếp theo để làm sao nó ăn với lại hai phần trên .

PV: Một tác phẩm cực kỳ tâm huyết, bởi  sản phẩm trí tuệ , sự sáng tạo của người nhạc sĩ không hề đơn thuần một chút nào. Bên cạnh đó, ở góc độ kinh phí phải nói để viết một tác phẩm hợp xướng đã khó rồi nhưng mà để triển khai dàn dựng và thu thanh tác phẩm đấy thì còn khó hơn nhiều lần , thưa nhạc sĩ Lã Văn Khoa, hình ảnh Điện Biên Phủ ở trong hợp xướng của ông mà ông muốn giới thiệu với thính giả như thế nào?

NS Lã Văn Khoa: Có thể nói là Điện Biên về sau này nhiều lần tôi qua lại Điện Biên, thì Điện Biên của chiến trường năm xưa với tôi thì nó chỉ là những ký ức, những điều tôi hiểu biết qua sách vở, qua truyền hình, phát thanh. Bởi vì tôi sinh sau chiến thắng Điện Biên Phủ, còn Điện Biên ngày hôm nay là một thành phố vùng cao rất phát triển.  Từ chỗ chỉ là một huyện về sau lại tách tỉnh ra để trở thành một thành phố, thế rồi đường bay mở rộng, giao lưu tới khắp thế giới, thành ra trong lời bài hát của tôi là  “có những thành phố đang lớn lên từng ngày, giang rộng cánh bay”v.v… Điện Biên hôm nay tôi muốn thể hiện trong ca khúc là những dư âm của chiến thắng oai hùng năm xưa với những bước chân hành quân của cả nước cho chiến thắng Điện Biên. Điện Biên ngày hôm nay là một thành phố năng động nhưng không mất đi bản sắc vùng Tây Bắc của Tổ Quốc, với những mái nhà, làn điệu dân ca Thái thấm đẫm . Cho nên toàn bộ tác phẩm của tôi thì âm hưởng của dân tộc Thái rất là rõ nét.

PV: Nói đến âm nhạc, nhạc sĩ Lã Văn Khoa chia sẻ rồi, toàn bộ tác phẩm là âm hưởng của dân tộc Thái , tuy nhiên, ở trong câu dạo mở đầu thì vang lên một cái tứ của cái bài dân ca Xá  “Mưa rơi” mà nhà nghiên cứu văn hóa Tô Ngọc Thanh đã sưu tầm được. Lý do gì mà nhạc sĩ lại chọn cái tứ đấy để mở đầu làm câu nhạc dạo cho mình?

NS Lã Văn Khoa: Tôi lại tâm sự ngoài 1 chút, nhạc sĩ Hoàng Vân khi viết “Hò kéo pháo” thì câu đầu tiên của ông không phải viết về hò kéo pháo, mà ông từng kể ông nằm ở trong bụi cây, khi quả pháo sáng bắn lên thì trời nó sáng rực lên, con gà rừng cất tiếng gáy thì NS Hoàng Vân mở đầu là “gà rừng gáy trên nương rồi” đấy. Thế thì trong hợp xướng này, làn điệu dân ca Xá mà nhạc sĩ Tô Ngọc Thanh đã sưu tầm , đó là đặc trưng của đồng bào dân tộc, tôi cũng muốn mình mở đầu phải là màu sắc của dân tộc và mầu sắc ấy phải hứa hẹn một điều gì đó tốt tươi. Rồi về sau xin ý kiến nhạc sĩ Duy Quang, anh bảo đó cũng là một phát hiện rất là thích thú. Và sau này ngay trong cả tác phẩm có những câu nhạc, nhạc sĩ Duy Quang cũng động viên tôi khi chuyển điệu thì lấy âm hưởng của tác phẩm “Hành quân xa” có tính chất nhắc lại, gọi là ôn cố, tri tân.

PV:  Bài dân ca xá “Mưa rơi” thể hiện ước nguyện của đồng bào đối với mùa xuân, đối với sự nảy lộc đâm chồi đối với cuộc sống mới ngày càng tốt tươi, thì cái tứ của nhạc sĩ khi mở đầu muốn hy vọng từ chiến trường năm xưa đang trở nên ngày càng phát triển đúng không ạ? Và đáng chú ý ở trong hợp xướng nghe có những câu hát Iinh lả ơi, mà ông giữ trọn vẹn của dân ca dân tộc Thái?

NS Lã Văn Khoa: Inh Lả ơi, nó trở thành một câu cửa miệng, ngay cả những người Kinh thôi họ cũng cảm nhận được. Câu nói đó rất tiêu biểu và trở thành một câu nói đại diện cho cuộc sống bình an, thanh thản là sự động viên của các cô gái Thái. Cho nên, trong cả quá trình thực hiện tác phẩm, thỉnh thoảng lại có một cái câu hát bật ra như thế , không khác gì khi ta đang đi trong rừng lại nhìn thấy một cái cây trạng nguyên,  đang xanh mướt như này, cả một núi rừng hoa trắng như này, tự nhiên lại bật trong khe núi ra lại một cây trạng nguyên đỏ rực. Thành ra là cái tiếng Inh Lả ơi, Inh Lả ơi, nó cứ như thế, cứ đi theo mong muốn của mình.

PV: Vâng, khi nghe tác phẩm chúng ta hoàn toàn có thể hình dung đang ở Điện Biên với âm hưởng dân ca Xá, với những bước chân hành quân được nhạc sĩ tái hiện lại trong giai điệu “Hành quân xa” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận và đặc biệt là với những âm hưởng dân ca Thái , một bức tranh vô cùng sinh động và đẹp đẽ. Vâng! dịp này, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là lúc mà tác phẩm của nhạc sĩ hoàn thiện tới với công chúng yêu nhạc , đó cũng là món quà vô cùng ý nghĩa đối với đồng bào, chiến sĩ Điện Biên, ông còn điều gì muốn chia sẻ không ạ?

NS Lã Văn Khoa: Tôi cũng không dám mong muốn nhiều nhưng mà được VOV giới thiệu tác phẩm này đến với công chúng, đó cũng đã là thỏa nghiệm của tôi, tôi biết về tâm linh thì chắc nhạc sĩ Duy Quang, người anh, người thầy và là một người bạn cũng đồng tình với tôi, mong muốn tác phẩm được vang lên trong dịp kỉ niệm rất lớn của một chiến thắng “lừng lấy năm châu và chấn động địa cầu”. Nhân dịp này xin được nghiêng mình tri ân với cố nhạc sĩ Duy Quang, người đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Xin được kính dâng tác phẩm này tới lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ , kính dâng lên đồng bào các dân tộc Điện Biên. Xin được cám ơn hợp ca nam nữ của câu lạc bộ Lá Đỏ , những thành tố quan trọng để “Mùa xuân thăm lại Điện Biên” được hoàn thiện.

Bài viết cùng chủ đề