Đồng dao- Sinh hoạt nghệ thuật đặc sắc của tuổi thơ
[VOV3] - Hát đồng dao là các câu vè vần độc đáo, phổ biến, có âm điệu vui tươi, tiết tấu nhanh, vui vẻ. Đây không chỉ là sinh hoạt giải trí thú vị của tuổi thơ mà còn chứa đựng những bài học hữu ích đầu đời với mỗi con người.

Hát đồng dao là các câu vè vần phổ biến, thường gắn với trò chơi dân gian như: “Mèo đuổi chuột”, “Rồng rắn lên mây”, “Chi chi chành chành”, “Úp lá khoai”, “Thả đỉa ba ba”, “Cà khẻo cà kheo” v.v… Vào những đêm trăng sáng hay mỗi khi có thời gian rỗi, các em thiếu nhi thường tập hợp nhau lại chơi các trò chơi dân gian và hát đồng dao. Phóng viên âm nhạc đã có cuộc trao đổi với Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan về thể loại âm nhạc độc đáo này của tuổi thơ.

PV: Xin chào nhạc sĩ Đặng Hoành Loan. Nhac sĩ có thể giới thiệu đôi nét về nghệ thuật hát đồng dao của tuổi thơ không?.

Đặng Hoành Loan: Đồng dao là những câu hát của trẻ thơ. Tuổi hát đồng dao là từ 2 cho đến 10 tuổi. Bởi vậy, hát đồng dao là một hình thức ca hát dân gian mà cha ông ta dành riêng cho tuổi nhỏ. Đặc điểm của hát đồng dao là bao giờ ca hát cũng đi cùng với trò chơi dân gian.

Đồng dao dường như không tách bạch khỏi trò chơi dân gian. Cho nên, chúng ta có thể nói rằng: trò chơi dân gian với hát đồng dao và hát đồng dao với trò chơi dân gian đã trở thành một cái hình thức sinh hoạt nghệ thuật đặc sắc của trẻ thơ.

PV: Vậy, nhạc sĩ có thể cắt nghĩa hát đồng dao là gì không?.

Đặng Hoành Loan: Phải nói rằng: Để cắt nghĩa hát đồng dao là gì, là rất khó. Nhưng mà, nó là những từ mà người ta tập hợp thành những câu “vè vần” để cho trẻ em dễ nhớ, dễ thuộc. Trẻ em cần nhớ nhất là các từ trong câu vè vần đấy.

PV: Tại sao hát đồng dao lại hấp dẫn với thiếu nhi đến vậy, thưa nhạc sĩ ?.

Đặng Hoành Loan: Phải nói rằng: trẻ em rất thích đồng dao. Bởi vì, sự hấp dẫn của các từ trong câu vè vần đấy mà nhiều trong số đó, các em không bao giờ hiểu cả, cho đến mãi lớn lên chưa chắc đã hiểu, ví dụ: “Chi chi chành chành” hay “Cái đanh thổi lửa” rất khó hiểu.

Thế nhưng, các em lại rất thích tiết tấu của “Chi chi chành chành”. Bởi, tiết tấu ấy rất vui tươi, hấp dẫn với thiếu nhi. Hơn nữa, tiết tấu “Chi chi chành chành” lại kết hợp với tiếng vỗ tay và những động tác nhảy múa nữa thì thật vô cùng lý thú với các em.

PV: Nhạc sĩ có thể giải thích tại sao hát đồng dao lại dạy cho tuổi thơ những bài học hữu ích đầu đời không?.

Đặng Hoành Loan: Chúng ta biết rằng: khi trẻ em mới biết ngồi thì cha mẹ dạy "Thả đỉa ba ba chớ bắt đàn bà, phải tội đàn ông". Nếu đứng về ngữ nghĩa của những từ đấy, trẻ em mới biết ngồi làm sao hiểu được nó có nghĩa gì?.

Nhưng mà, cái hay ở đây không chỉ là tiết tấu hấp dẫn của bài hát đồng dao mà còn dạy cho trẻ thơ những bài học đầu tiên về con người: Thế giới loài người có hai giới "Đàn ông và đàn bà". Đây là những bài học rất cần thiết cho trẻ thơ.

Lúc đầu là như thế. Tuy nhiên, về sau, ca từ của câu hát đồng dao là: "Bỏ mắm, bỏ muối, bỏ chuối, hạt tiêu" lại dạy cho thiếu nhi biết về những cây cỏ, vật trồng rất gần gũi với người nông dân Việt Nam. Và cứ thế, nó thấm dần vào các em từ lúc nào không hay. Bởi vậy, trẻ thơ ban đầu chưa biết nói, không biết ý nghĩa của từ nhưng đã biết chơi “Thả đỉa ba ba”.

Chúng ta nhận thấy rằng: Tất cả những điều đó đã hấp dẫn trẻ em. Hấp dẫn đầu tiên, chúng ta phải kể đên là hấp dẫn về âm nhạc. Đó là tiết tấu âm nhạc vui tươi, rộn ràng. Hấp dẫn thứ hai là cách chơi của đồng dao.

PV: Nhạc sĩ vừa chia sẻ về sự hấp dẫn của hat đồng dao với lứa tuổi nhỏ. Vậy, với lứa tuổi lớn hơn thì nó có tác động như thế nào?.

Đặng Hoành Loan: Thế rồi, với các em ở lứa tuổi từ 9 đến 10 tuổi, trẻ em bắt đầu chơi những trò chơi phức tạp hơn, Ví dụ như: "Cầu Vồng" hay "Bịt mắt bắt dê" hoặc là "Rồng rắn lên mây” ... 

Chúng ta nhận thấy rằng: Tất cả những trò chơi ấy đã giúp cho trẻ em quần tụ và cùng chơi với nhau, trở thành cuộc chơi vô cùng lý thú. Ví dụ như: trò chơi dân gian và hát đồng dao “Rồng rắn lên mây” mà hồi nhỏ tôi và các bạn hay chơi ở đình làng hoặc những bãi đất rộng thì vô cùng thích thú. Đặc biệt là vào những đêm trăng sáng, chúng tôi chơi trò chơi đấy dưới ánh trăng thì thật là vô cùng thú vị.

 Lúc bấy giờ, tôi không hiểu được câu hát đồng dao: "Rồng rắn lên mây, có cây lúc lắc, có nhà hiển minh” là gì?. Tôi cũng không biết “Nhà hiển minh” là nhà gì. Thế nhưng mà "Cái cây lúc lắc" hay “Rồng rắn” thì tôi biết.

Có thể nói, hát đồng dao đã đưa vào câu hát những điều thiếu nhi không biết cùng những điều các em biết. Nhưng, điều quan trọng hơn cả vẫn là tiết tấu. Bởi vì, tiết tấu đấy đã làm cho cuộc chơi trở nên vui tươi, sống động, hấp dẫn với tuổi thơ.

PV: Cảm ơn nhạc sĩ Đặng Hoành Loan.